Tác động được nhận diện ở các góc độ khác nhau. Dễ nhìn thấy nhất là mang lại lượng ngoại tệ khá lớn (năm 2014 đạt 7.330 triệu USD). Quan trọng hơn, đây là hình thức giới thiệu trực tiếp hình ảnh Việt Nam với thế giới. Việc "tai nghe, mắt thấy, chân đi tới"... đã mở đường cho đầu tư thương mại và các quan hệ khác. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã gần như liên tục tăng lên từ nửa đầu năm 2014 trở về trước. Nhưng từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2015 - đã 14 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị sụt giảm liên tục so với năm trước, trong đó lượng khách đến từ Trung Quốc bị giảm còn sâu hơn.
Với nhiều giải pháp cùng những chính sách để kích cầu du lịch, từ tháng 7, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên so với tháng cùng kỳ năm trước và so với tháng trước cùng năm (tháng 7/2015 tăng tương ứng 5,1% và tăng 12,1%; tháng 8/2015 tăng 7,5% và tăng 12%). Đây là dấu hiệu phục hồi của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với nhóm thị trường khách ở 5 nước châu Âu vừa được miễn thị thực đơn phương đã tăng mạnh so với tháng trước, như Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp, Anh. Một số thị trường gần và có lượng khách đông cũng đã tăng lên khá như Hàn Quốc, Hongkong, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia...
Tính chung 9 tháng năm 2015, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5,69 triệu lượt người. Trong đó có 11 thị trường có lượng khách tăng so với cùng kỳ năm trước là: Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Italia, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Italia. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn bị giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường giảm mạnh là Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Canada, Pháp, Anh.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam so với dân số còn thấp (mới đạt khoảng 8 khách so với 100 chủ - thấp xa so với nhiều nước có tới 80 khách, thậm chí tới mấy trăm khách so với 100 chủ). Du lịch quốc tế là hình thức quảng bá cho đất nước, tuy nhiên công tác quảng bá của ngành du lịch còn đơn sơ và chậm thay đổi. Nhiều hạn chế, bất cập chậm được khắc phục, nhân lực du lịch còn yếu. Từ chỗ năm 1990, ngành du lịch chỉ có 12 ngàn lao động, nay đã có 1,8 triệu, trong đó trực tiếp có 570 ngàn. Mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 ngàn, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường mới có khoảng 15 ngàn/năm; hiện có 12% số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; không ít số được đào tạo ở trường nhưng ra trường các DN lữ hành phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ. Ngay ở trung tâm du lịch lớn của cả nước là TP Hồ Chí Minh cũng còn có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, vì 2 lẽ: Một lượng lao động giỏi về du lịch ở Việt Nam sẽ sang làm việc ở nước khác; một lượng lao động làm du lịch ở các nước khác đến làm việc ở Việt Nam làm cho thị phần của lao động trong nước bị giảm. Tình trạng chèo kéo vẫn còn nhiều, vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa bảo đảm. Chính phủ đã cho phép miễn thị thực cho nhiều nước, nhưng vẫn còn một số nước có khách đông cũng cần được xem xét.
Hướng dẫn viên giới thiệu với khách quốc tế về di tích đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Chiến Công
|