Theo thống kê, có đến 1/10 thanh thiếu niên tự hành xác mình, người bệnh luôn có khuynh hướng làm chính bản thân mình đau. Họ sẵn sàng dùng dao cắt vào tay, chân; bứt tóc, đốt da hoặc cào cấu cơ thể, đấm vào tường, tự tát vào mặt…
Vì sao người trẻ thích hành xác?
Những người thích hành xác thường bắt đầu từ những vết cắt nhỏ bằng dao lam, những vết bỏng hay vết cắn. Trẻ vị thành niên gây ra những vết thương này mà không để người xung quanh biết bằng cách thực hiện nó trong phòng ngủ hay phòng tắm. Những vết thương này được trẻ lặp đi lặp lại không phải để thu hút sự chú ý của mọi người mà dường như là để có thể kiểm soát được cảm xúc, sự lo lắng hay tức giận của mình. Những hành vi này có chiều hướng gia tăng từ vài năm gần đây.
Tại sao các bạn trẻ lại tự làm đau mình? Làm thế nào để thoát khỏi điều đó? Căn nguyên của vấn đề tự thương còn là điều bí ẩn, nhưng một vài lý thuyết đã hé ra những tia sáng mới. Khi cơ thể bị thương, nó giải phóng các chất tê tự nhiên xoa dịu nỗi đau. Việc tự thương gây ra một vết thương có thật và “khổ chủ” có thể tìm thấy sự dễ chịu về tinh thần. Chính vì lẽ đó, tự thương có thể gây “nghiện”, dẫn tới lệ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào nó.
Đa phần những người tự thương nói rằng họ bắt đầu “hành xác” vì một trong hai lý do: Để cảm nhận nhiều hơn hoặc ít hơn về trạng thái đang trải qua của mình. Những người trầm cảm thường tự cho rằng, nỗi đau của mình lớn đến nỗi phải tự thương để đánh lạc hướng cảm xúc. Ngược lại, một số khác lại tự thương để trấn tĩnh trong cơn khủng hoảng. Dường như có mối quan hệ giữa việc tự hành xác và những rối loạn ăn uống. Thường thì nhu cầu tự hành xác được nhận thấy trong nhiều trường hợp chán ăn tâm lý.
Tự hành xác là một căn bệnh dễ mắc phải đối với những đối tượng bị suy sụp về mặt tinh thần. Căng thẳng và cô đơn cũng khiến giới trẻ dễ mắc bệnh tự hành xác. Khi phải chịu những nỗi đau về mặt tinh thần, giới trẻ có xu hướng thay thế những nỗi đau đó bằng những nỗi đau về mặt cơ thể. Họ xem những cơn đau là cách để thể hiện họ ghét cơ thể họ như thế nào hoặc để trút giận.
Phòng tránh thế nào?
Ngược đãi bản thân thật sự là một căn bệnh nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh. Họ thường không để cho ai biết tình trạng của mình. Trào lưu tự hành xác đã xuất hiện ở phương Tây từ hàng chục năm nay nhưng mới chỉ có mặt ở Việt Nam 5 năm trở lại đây. Có thể khẳng định, những trường hợp tự hành xác thường không bị bệnh tâm lý - tâm thần, đây là hành vi thiếu hụt kỹ năng sống. Thực tế, sau hành động “dã man” đó lại là sự yếu đuối và thiếu tự tin của các bạn trẻ trong lứa tuổi mới lớn. Các bạn trẻ hành xác chỉ vì một lý do duy nhất, muốn gào to cho mọi người biết: “Tôi đang là tôi”. Một trong những đặc trưng của tuổi teen chính là nhu cầu khẳng định mình, muốn là trung tâm của mọi sự chú ý. Các teen thích làm cho mọi người phải khâm phục mình để giành lấy những sự quan tâm từ người khác. Các bạn ấy cho rằng, chỉ có những “người hùng” thực sự mới dám tự làm đau mình, dám đương đầu với những đau đớn thể xác. Ngoài ra, đó còn là thể hiện “đẳng cấp”.
Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo mà ai trong chúng ta cũng phải đề phòng và bài trừ nó, tránh cổ súy cho những bất thường này. Để phòng tránh “trào lưu” tự hành xác, hãy biết tiết chế cảm xúc và làm chủ bản thân. Khi mọi việc còn trong tầm kiểm soát thì nên dành cho cơ thể của chính mình sự quan tâm tuyệt vời nhất. Đừng để vuột mất khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình bằng những trò hành hạ bản thân.
Hành vi tự hành xác sẽ giảm đi khi tuổi tăng lên và tự mất đi một vài năm sau đó. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể trầm trọng hơn, người thân nên đưa đến các chuyên gia về tâm lý - tâm thần. Hầu hết những thanh, thiếu niên đã từng tự thương cho rằng, một trong những điều tốt nhất họ có thể làm là giãi bày với những người thân. Vì vậy, gia đình cũng cần điều chỉnh lại mối quan hệ giữa các thành viên, bởi vì hành vi này là minh chứng của việc trẻ không được quan tâm, lắng nghe. Cần thiết lập lại sự trao đổi giữa trẻ và gia đình để có thể hiểu được những mong muốn của trẻ.
Ảnh minh họa
|