Hết lời ngợi khen
Cuốn tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" là câu chuyện giả tưởng, nhân vật và cốt truyện mang hơi hướng dự báo một cuộc chiến hành tinh ở Mỹ vào năm 2015. Theo đánh giá của nhiều nhà văn thuộc thế hệ "cây đa, cây đề", cuốn tiểu thuyết ra đời như một tín hiệu vui cho văn chương trẻ Việt Nam. Bởi bấy lâu nay, các hội nghề nghiệp của văn học Việt vẫn mải miết tổ chức các cuộc hội thảo tìm phong cách văn học trẻ, tìm thứ văn mới không lỗi thời, nhưng tất cả vẫn chỉ là lý thuyết, tác phẩm ra đời không đạt mục đích như mong muốn. Thế mà, thông qua "Cuộc chiến với hành tinh Fantom", Nguyễn Bình đưa trẻ em về với thế giới của ngày xưa, thế giới của tưởng tượng. "Nếu ngày xưa, trí tưởng tượng của các em được nuôi dưỡng trong các câu chuyện cổ tích, ngày nay, Nguyễn Bình và các bạn của mình nuôi dưỡng nó trong thế giới siêu hình, của kỹ thuật máy móc và quyền lực siêu nhân" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Hội thảo về tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" của Nguyễn Bình.
Tác phẩm bộc lộ khả năng biểu đạt, kiến thức và cách quan sát tinh tế, mà nhiều nhà văn đương đại khó đạt được. Phong cách kể chuyện gợi mở, tiết tấu nhanh, cuốn tiểu thuyết trở thành "hiện tượng" của văn học Việt thời hiện đại, với số lượng phát hành 10.000 bản trong vòng 8 tháng. Ông Phạm Sĩ Sáu, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết: "Với con mắt của người kinh doanh văn học, tôi chỉ cần mất 30 phút đọc bản thảo và đưa ra quyết định phát hành tác phẩm này". Theo dự kiến, bộ tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" gồm 8 cuốn. Hiện nay, Nguyễn Bình đã xong bản thảo tập 4 và tập 5, đang hoàn thành tiếp tập 6 và 7. Tập 8 của bộ sách chắc chắn phải hoàn thành trước năm 2015, trước thời điểm mà cậu dự báo diễn ra các sự kiện.
Để tài năng phát triển tự nhiên
Khi tên tuổi Nguyễn Bình xuất hiện trên làng văn Việt với những từ ngợi ca như "Thần đồng", "Tài năng kiệt xuất"… rất nhiều người lo ngại cho khả năng ảo tưởng của một cậu bé đang học lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bởi ngoài mức nhuận bút gần 70 triệu đồng cậu nhận được từ Nhà xuất bản Trẻ, rất nhiều cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên đề "mổ xẻ" hiện tượng Nguyễn Bình với không ít lời tán tụng của các nhà văn thành danh dành cho cậu. Bố của Nguyễn Bình, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa luôn phải dặn cậu: "Con đừng quá tự hào về thành quả của mình đạt được mà bỏ bẵng việc học". Bên cạnh đó, sau sự kiện này, ông Hòa còn dành nhiều thời gian để chỉ bảo con những bài học ở lớp, giúp cậu có một môi trường sống và cách làm việc như đứa trẻ bình thường.
Nhà văn Hữu Thỉnh cho rằng: "Chúng ta ghi nhận thành quả của Nguyễn Bình. Tuy nhiên, xã hội không nên dành cho cậu quá nhiều tính từ đề cao. Đánh giá Nguyễn Bình có phải là nhà văn tài năng hay không còn quá sớm. Bởi vì, để trở thành một nhà văn, cậu bé còn phải trải qua cả quãng đường gian truân nữa".
Vẫn biết, biết đọc từ năm 3 tuổi đã là điều khác thường, 11 tuổi trở nên nổi tiếng nhờ viết văn là hiếm có. Nhưng, rất có thể sau khi viết xong 8 tập tiểu thuyết này, Nguyễn Bình không viết văn mà chuyển sang lĩnh vực khác mà cậu ham thích hơn. Trở thành nhà văn hay không không quan trọng, điều quan trọng, xã hội và gia đình phải biết nuôi dưỡng để tài năng đó phát triển tự nhiên chứ không "vụt sáng" rồi "vụt tắt", như bài học từ rất nhiều thần đồng khác.
Cuộc hội thảo giới thiệu tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" do Ban chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 15/8, có sự tham dự của Nguyễn Bình cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi như: GS Tô Ngọc Thanh, nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều… |