Thay mặt Hội đồng xét xử, thẩm phán Vũ Phi Long - chủ tọa phiên tòa và thẩm phán Phạm Thị Bạch Huệ thay phiên nhau đọc bản án.
Hội đồng xét xử nhận định vai trò, tính chất, hậu quả hành vi phạm tội và tuyên phạt mức án đối với các bị cáo như sau:
Trong giai đoạn Công ty Vifon là doanh nghiệp Nhà nước, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (58 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, qua đó chiếm đoạt 9.893.075.010 đồng. Số tiền này bị cáo khai đã chuyển toàn bộ cho bị cáo Nguyễn Bi (64 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vifon) nhưng không có chứng cứ chứng minh nên bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với số tiền này. Ngoài ra, trong giai đoạn Công ty Vifon chuyển sang 100% cổ phần tư nhân, cũng bằng thủ đoạn trên, bị cáo chỉ đạo Phòng Kế toán rút ra 1.379.634.390 đồng và 2.283.880.000 đồng. Tuy bị cáo khai đã chuyển hai khoản tiền trên cho bị cáo Bi nhưng bị cáo Bi chỉ thừa nhận khoản tiền 2.283.880.000 đồng. Hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong một thời gian dài, diễn ra nhiều lần, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi lượng hình, Hội đồng xét xử cũng xét tình tiết bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối lỗi, bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, tài sản kê biên có khả năng khắc phục toàn bộ hậu quả. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huyền 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 30 năm tù. Ngoài ra, bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ ngày mãn hạn tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Bi (64 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vifon), lợi dụng nhiệm vụ được giao đã chiếm đoạt 2.283.880.000 đồng từ nguồn tiền hoàn thuế nhập khẩu năm 2005 của Công ty Vifon với sự giúp sức của bị cáo Huyền. Lời khai của bị cáo Bi rằng không biết khoản tiền này do bị cáo Huyền chiếm đoạt rồi chuyển vào tài khoản của bị cáo là không có cơ sở, vì bị cáo Bi biết rất rõ bị cáo không gửi tiền huy động vốn vào công ty, số tiền trong tài khoản của bị cáo mỗi lần gửi vào chỉ là tiền tiết kiệm từ tiền lương liên doanh - từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng - nên không thể có số tiền lớn như vậy trong tài khoản. Ngoài ra, bị cáo Bi còn tự ý chia thưởng trái pháp luật 290.000 USD từ nguồn tiền chuyển nhượng vốn liên doanh của Công ty Vifon; đồng thời ký quyết định chi thưởng khống hai khoản với tổng số tiền 3.507.990.667 đồng gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng 8.213.286.347 đồng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cũng xét bị cáo có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác, nhiều đóng góp trong xây dựng Công ty Vifon, đã khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bi 7 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 22 năm tù. Bị cáo cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong thời hạn 5 năm kể từ ngày mãn hạn tù.
Các bị cáo nghe tuyên án, bị cáo Mẫn do sức khỏe yếu nên được cho phép ngồi.
|
Biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các bị cáo Đàm Tú Liên (52 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vifon), Dương Thị Mẫn (66 tuổi, nguyên kế toán thanh toán Công ty Vifon), Ka Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ Công ty Vifon) đã có hành vi làm trái trong việc lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi, tạo điều kiện cho hai bị cáo Huyền, Bi chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Các bị cáo được xét giảm một phần hình phạt do có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác, đã khắc phục một phần hậu quả. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Liên 8 năm tù, bị cáo Mẫn 7 năm tù, bị cáo Hồng 7 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với việc xác định nguyên đơn dân sự, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước (vào thời điểm xảy ra vụ án vẫn còn hiệu lực) đã có căn cứ xác định Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Công thương chính là bộ quản lý ngành đối với Công ty Vifon, nghĩa là đại diện chủ sở hữu, có quyền về tài sản đối với Công ty Vifon. Quyền này được thể hiện qua việc Bộ Công nghiệp đã cho phép Công ty Vifon được cổ phần hóa, sau đó chấp thuận cho Công ty Vifon bán tiếp 51% vốn Nhà nước, cho phép Công ty Vifon trích hơn 7,9 tỷ đồng từ lợi nhuận chuyển nhượng vốn liên doanh vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi...
Hội đồng xét xử xác định Bộ Công Thương Việt Nam chính là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Do vậy, về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử buộc bị cáo Huyền bồi thường cho Bộ Công Thương Việt Nam 9.893.075.010 đồng và bồi thường cho Công ty Vifon 1.379.634.390 đồng; bị cáo Bi bồi thường cho Công ty Vifon 2.283.880.000 đồng.
Về phần ông Nguyễn Văn Bên, Hội đồng xét xử nhận định: khi giữ cương vị Phó Tổng giám đốc công ty Vifon, ông đã có hành vi ký các chứng từ chi 456.514.972 đồng mua cổ phần cho bị cáo Bi; ký phiếu thu khống trong khoản tiền 200.000 USD Công ty TNHH Xay lúa mì chuyển đợt 2; bản thân được chia thưởng trái nguyên tắc 50.000 USD; biết rõ Công ty Vifon đang “treo” giữ hơn hơn 43,562 tỷ đồng là nguồn tiền của Nhà nước không đưa vào cổ phần hóa nhưng trong thời gian làm lãnh đạo công ty đã không chỉ đạo nộp lại số tiền này cho Nhà nước...
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bên cho rằng làm đơn tố cáo sự việc phạm tội xảy ra tại Công ty Vifon để đề nghị miễn xử lý hình sự đối với ông. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng đó chỉ là những tình tiết giảm nhẹ chứ không thể là yếu tố miễn xử lý hình sự đối với hành vi của ông Bên. Vì vậy, hội đồng xét xử kiến nghị Viện KSND tối cao xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Bên và những người có liên quan.