Ngày 30/8, luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh cho hay: Ngày 29/8/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã kết thúc điều tra bổ sung theo yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND TP Hà Nội.
Theo đó, Cơ quan điều tra tiếp tục đề nghị VKSND Thành phố Hà Nội truy tố bị can Nguyễn Mạnh tường về tội: “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo Khoản 3 Điều 242 BLHS và tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”, theo Khoản 2 Điều 246 BLHS.
Bị can Đào Quang Khánh bị đề nghị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, theo Khoản 2, Điều 246 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản”, theo khoản 1, Điều 138 BLHS.
Theo bản kết luận điều tra bổ sung lần này, không có cơ sở để xác định nguyên nhân chết của chị Lê Thị Thanh Huyền.
Cũng theo luật sư Thơm, với bản kết luận điều tra lần này, có thể bác sỹ Tường sẽ nặng tội hơn.
Ở bản kết luận điều tra lần 1, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bác sỹ Tường tội Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, theo khoản 1, Điều 242 BLHS.
Theo đó, khung hình phạt nặng nhất chỉ là 5 năm.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đề nghị VKS truy tố bác sỹ Tường tội Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nhưng là theo khoản 3, Điều 242 BLHS.
Theo đó, khung hình phạt cao nhất sẽ là 15 năm tù giam.
Trước đó, vào ngày 14/4/2014, TAND Thành phố Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh ra xét xử các tội: “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt và Trộm cắp tài sản.
Sau phần xét hỏi, do xuất hiện một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà HĐXX không thể giải quyết được tại phiên tòa, nên HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS và Cơ quan Cảnh sát để điều tra bổ sung.
Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra
|
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Điều 138. Tội trộm cắp tài sản 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |