6 hay 9 cơ hội?
Bên cạnh bất ngờ, người ta còn hoài nghi độ chính xác của thông tin, bởi chỉ trong vòng một tuần, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 con số nguyện vọng vào ĐH, CĐ khác nhau. Bởi khi trả lời câu hỏi về phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến mỗi TS sẽ có 1 phiếu đăng ký xét tuyển, được đăng ký tối đa 6 nguyện vọng, xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 6. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển vòng đầu tiên, các trường ĐH được Bộ giao chủ trì tổ chức thi THPT quốc gia in 3 phiếu chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ cho những TS chưa trúng tuyển ở vòng xét tuyển đầu tiên để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Trao đổi bài sau khi thi tại Hội đồng thi Học viện Bưu chính viễn thông năm 2014. Ảnh: Thành Duy
|
Biết rằng tháng 1/2015, Bộ GD&ĐT mới chính thức ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015. Nhưng tại thời điểm này, mỗi thông tin đưa ra cũng là dữ liệu quan trọng để các trường dự kiến kế hoạch tuyển sinh đạt hiệu quả nhất. Ai cũng biết, đưa ra 6 hay 9 nguyện vọng đăng ký đều có lợi cho TS trong việc lựa chọn trường phù hợp, song nếu Bộ cho phép đăng ký nhiều nguyện vọng cũng dễ khiến TS bị rối khi xác định phương hướng. Về phía các trường ĐH top đầu, cho dù TS có đến 9 cơ hội cũng không ảnh hưởng gì, bởi chắc chắn TS đạt điểm cao sẽ vào học trường top đầu. Nhưng với những trường ĐH top dưới, ĐH địa phương, ĐH ngoài công lập lâu nay khó khăn trong việc tuyển sinh, sẽ càng khốn đốn. PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội than phiền: "9 nguyện vọng thì số ảo tăng lên gấp đôi, gấp ba so với năm trước. Bộ đã chạy theo dư luận một cách quá mức. Một năm tôi ký hơn 10.000 giấy báo nhập học, nhưng chỉ có 2.000 em đến, còn hơn 8.000 phiếu bỏ đi làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Nếu Bộ quy định 9 nguyện vọng thì 1 triệu TS đăng ký xét tuyển nhân với 9 bằng 9 triệu người, sẽ khiến các trường tốn công chờ đợi, mong ngóng. Tôi đề nghị cần phải tính ra thành tiền để tiết kiệm, còn nếu Bộ cứ chạy theo xã hội thì không biết chừng nào". Nhiều chuyên gia có thâm niên làm công tác tuyển sinh ví 9 nguyện vọng giống… 9 tầng mây, không chỉ tạo ra tỷ lệ ảo nhiều mà còn làm náo động xã hội.
Để thí sinh tự quyết?
Giải bài toán giảm tỷ lệ TS ảo, GS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh đề nghị, mỗi em chỉ nên có tối đa 2 nguyện vọng. Những TS trượt nguyện vọng đầu tiên sẽ được trường chủ trì tổ chức thi cấp 2 phiếu chứng nhận điểm để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đưa ra quan điểm, mỗi TS có 3 nguyện vọng, PGS Bùi Xuân Nhàn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại giải thích: Ngay trong 3 phiếu đã có ảo rồi. Năm nay, Bộ cho phép có điểm thi rồi mới đăng ký xét tuyển, nên TS sẽ đăng ký nguyện vọng đầu tiên vào trường tin tưởng nhất rồi đợi xét tuyển. Nếu không trúng tuyển, TS mới nộp hồ sơ đến trường ưu tiên thứ hai, thứ ba. Trong mỗi đợt như thế có rất nhiều trường cùng xét tuyển, TS thì đi rải hồ sơ, gây khó khăn cho các trường gọi đủ chỉ tiêu.
Trong tình thế ấy, PGS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, các trường phải rất tỉnh táo nghiên cứu năm trước lấy điểm ở mức độ nào. TS đạt điểm cao, nộp hồ sơ vào trường top trung bình nhưng chưa chắc đã chọn để học.
Với nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục ĐH, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, TS đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là do các em, Bộ đừng can thiệp. Bộ chỉ nên quy định từng loại trường xét tuyển ở mức điểm nào, việc này có thể thực hiện được ngay cả khi chưa phân tầng các trường ĐH. Cụ thể, các trường ĐH trọng điểm được xếp vào top đầu; top 2 là các trường ĐH bình thường; top 3 là trường ĐH địa phương và top 4 là trường CĐ. Để việc gọi TS diễn ra nhanh gọn, trường trọng điểm được gọi đợt đầu trong khoảng 15 ngày rồi đóng sổ, lần lượt đến các trường top sau, để cuối tháng 8 kết thúc. Nếu trường nào còn thiếu chỉ tiêu sẽ được Bộ cho phép gọi đợt 2 vào sau Tết Âm lịch, các em học chênh nhau một học kỳ, như thế cũng phù hợp với việc đào tạo theo tín chỉ.