Nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

Bài và ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cầu trong thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp luôn ở mức cao kể từ cuối năm 2019 và đang trở nên sôi động trong thời điểm hiện tại với sự tham gia của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế. Việt Nam được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ chi phí ở mức hấp dẫn, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ.

Kinh tế tăng trưởng, tạo nền tảng đầu tư
Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập và đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt 70 - 80%. Đặc biệt, tại 2 đầu tầu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lấp đầy đạt gần như tối đa, 2 TP này đều đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và đang tích cực kêu gọi nhà đầu tư để mở rộng thêm địa bàn sản xuất cho các khu công nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất vào các khu công nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường trong nước cũng chứng kiến nguồn cầu gia tăng do các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến thay thế. Nguồn cầu này tăng đặc biệt khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện và Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020, thị trường BĐS công nghiệp là phân khúc có nhiều lợi thế khi nền kinh tế phát triển ổn định.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia tăng trưởng ở mức âm, trong khi đó kinh tế Viêt Nam vẫn tăng trưởng ổn định ở mức trên 3,3%. Đây là cơ sở để cho nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài” - chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành nhận định.

“Cú hích” từ hiệp định thương mại

Giám đốc Savill Hà Nội Matthew Powell cho biết, Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại và sự xuất hiện liên tục các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Chính phủ đối với các nhà đầu tư, từ thời điểm trước, trong và sau dịch Covid-19.

Việt Nam đang chứng kiến nguồn cầu bứt tốc ở chuỗi giá trị. Kéo theo đó là những yêu cầu đòi hỏi hơn với công nghệ cao và chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, lực lượng lao động có chất lượng với chi phí hợp lý là yếu tố rất cần được tính đến.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là do Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại với thế giới và việc kiểm soát dịch bệnh thành công là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại; đồng thời cũng là nền tảng để thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng mạnh vào thị trường trong nước.

“Các nhà đầu tư trong khu vực đang rất muốn gia nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Anh và Mỹ... và nhận thấy nhu cầu của họ. Sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư khu vực và quốc tế sẽ mở ra những cơ hội lĩnh vực BĐS công nghiệp và các lĩnh vực có liên quan phát triển mạnh trong thời gian tới” - ông Powell nhận định.