Giữa tháng 3/2015, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đã có buổi tiếp xúc nhà đầu tư và chia sẻ nhiều thông tin về dự án bất động sản của doanh nghiệp tại Thủ Thiêm. CII sẽ rót vốn xây dựng hạ tầng vào khu 3, 4 tại đô thị mới này, đổi lại, doanh nghiệp được làm chủ đầu tư quỹ đất dự án Maria Bay và Thủ Thiêm Lake View khoảng 84.255 m2.
Tổng giám đốc Lê Quốc Bình tiết lộ, làn sóng các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế săn lùng mua đất Thủ Thiêm đang diễn ra rầm rộ. Các lô đất tại đây của CII vì vậy cũng đón nhận sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, danh sách đề nghị đặt mua quỹ đất này xếp hàng khá dài. Lý do các đối tác quốc tế tìm đến Thủ Thiêm là dịch chuyển dòng vốn từ thị trường Trung Quốc sang.
"Chúng tôi đã thí điểm chào hàng một lô với giá khủng để thăm dò phản ứng của các nhà đầu tư ngoại và kết quả cho thấy họ không ngại giá cao. Chỉ cần đất sạch, vị trí đẹp, họ sẵn sàng tiếp cận", ông cho hay.
Ông Bình chia sẻ thêm, trong quá trình xúc tiến đầu tư với khối ngoại, qua tiếp cận báo cáo tài chính và dòng vốn của đối tác có thể rút ra điểm chung là các nhà đầu tư này có lượng tiền mặt từ hàng trăm triệu USD đến bạc tỷ USD, sẵn sàng chi trả bất cứ lúc nào. "Hiện nay cơ hội để Thủ Thiêm đón vốn ngoại cực lớn", ông nói.
Nếu các nhà đầu tư quốc tế săn lùng đất Thủ Thiêm của CII vẫn chưa chính thức lộ diện thì những đại gia bất động sản khác trong khu vực đã nhập cuộc mạnh mẽ để tìm cơ hội tại khu đô thị mới này. Hôm 2/3, Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City (chủ đầu tư một dự án cao tầng tại Thủ Thiêm). Giá trị giao dịch được Keppel tiết lộ là 93,9 triệu USD.
Các đối tác khác trong Liên doanh Empire City là các công ty Việt Nam: Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước), Công ty TNHH bất động sản Trần Thái và Quỹ đầu tư Bất động sản tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông. Keppel Land và các đối tác sẽ cùng phát triển một dự án có vị trí đắc địa ven sông với diện tích 14.6 ha tại khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. Dự án được quy hoạch sẽ bao gồm khu căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ và tòa tháp phức hợp cao 86 tầng.
Trước đó, một siêu dự án khác mang tên Thu Thiem Eco Smart City, trị giá tới 2 tỷ USD do liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư cũng được công bố. Dự án được kỳ vọng sẽ biến khu vực này trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại nhất khu vực, trong đó có một khu cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế. Được biết, Lotte ký quỹ 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, dự kiến khởi công đầu năm 2016.
Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa xác nhận: 'Từ tháng 10/2015 đến nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là châu Á đang âm thầm săn lùng đất vàng tại Thủ Thiêm".
Gu của các nhà đầu tư này là chỉ quan tâm đến quỹ đất sạch có quy mô tối thiểu từ một hecta trở lên. Điều kiện quan trọng nhất là vị trí dự án có sự kết nối hạ tầng tốt về khu trung tâm hiện hữu. Hầu hết chiến lược của các nhà đầu tư ngoại này đều dài hơi và trường vốn, có thể thu xếp được trong 5-7 năm trở lên (tương đương với vòng đời của một dự án bất động sản).
Ông Nghĩa cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Thủ Thiêm. Thứ nhất, dòng vốn đang dịch chuyển từ thị trường nhiều biến động là Trung Quốc sang Việt Nam và Thủ Thiêm là khu mới nổi đầy tiềm năng, còn nhiều quỹ đất sạch nên hút dòng vốn này như một hệ quả tất yếu.
Thứ hai, hạ tầng của khu Đông TP HCM có sự đầu tư mạnh mẽ đã tiến bộ vượt bậc, trong đó quận 2, 9 và đặc biệt là Thủ Thiêm hưởng lợi nhiều nhất. Trung bình cứ một đồng đầu tư hạ tầng có thể kích bất động sản tăng giá 10-15%.
Thứ ba, các chính sách thu hút nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đang được cải thiện. Thứ tư, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng bằng cách tham gia nhiều hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo rằng, Thủ Thiêm nói riêng và khu Đông TP HCM nói chung mặc dù được xem là khu mới, đầy tiềm năng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại nhưng đây chưa phải là một thị trường hoàn hảo. Bên cạnh những lợi thế rất lớn, Thủ Thiêm không tránh khỏi nhược điểm chung của trục đô thị phía Đông Sài Gòn, đó là thuận lợi để ở nhưng chưa thể hiện được vai trò trung tâm thu hút, kết nối việc làm, các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí còn kém sôi động. Sự phát triển lệch pha này khiến cho cực Đông thành phố vẫn còn khoảng cách rất lớn so với khu trung tâm hiện hữu và trục đô thị phía Nam.
Quan điểm của ông Nghĩa, giá đất Thủ Thiêm đắt đỏ (trung bình hơn 3.000 USD/m2) nhưng đó chưa phải là vấn đề với các nhà đầu tư quốc tế. Cân nhắc đầu tư sản phẩm gì, chiến lược kinh doanh như thế nào để phù hợp với tiềm lực của Thủ Thiêm và chọn đúng điểm rơi của bất động sản để gia nhập thị trường mới chính là bài toán thách đố khối ngoại. Thêm nữa tính ổn định của Luật Đầu tư, sự cởi mở, cải cách hành chính là ẩn số không nhỏ đối với những nhà đầu tư nước ngoài.
Phối cảnh một siêu dự án tại Thủ Thiêm đang được nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn.
|