Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà lãnh đạo Libya tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Gaddafi khẳng định không một thế lực nào có thể buộc ông rời khỏi Libya, cũng như không ai có thể yêu cầu ông ngừng đấu tranh cho đất nước mình.

KTĐT - Ông Gaddafi khẳng định không một thế lực nào có thể buộc ông rời khỏi Libya, cũng như không ai có thể yêu cầu ông ngừng đấu tranh cho đất nước mình.

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ngày 29/4 tuyên bố đã sẵn sàng ngừng bắn, song điều này cần phải có sự tham gia của tất cả các bên, không chỉ từ phía lực lượng trung thành với ông.

Phát biểu trực tiếp trên một kênh truyền hình, ông Gaddafi nhấn mạnh "Libya đã sẵn sàng ngừng bắn, song việc ngừng bắn không thể chỉ từ một phía. Chúng tôi là bên đầu tiên hoan nghênh việc ngừng bắn và chúng tôi là bên đầu tiên chấp thuận ngừng bắn..., song các cuộc tấn công của NATO vẫn không chấm dứt."

Ông Gaddafi cũng khẳng định không một thế lực nào có thể buộc ông rời khỏi Libya, cũng như không ai có thể yêu cầu ông ngừng đấu tranh cho đất nước mình.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết chính quyền ông Gaddafi kêu gọi các lực lượng chống chính phủ đang kiểm soát cảng Misrata, hạ vũ khí để đổi lấy việc được ân xá.

Theo ông Ibrahim, đề xuất trên có hiệu lực tới ngày 3/5, và chính phủ Libya sẽ cho phép các tay súng rời khỏi thành phố lớn thứ ba của nước này nếu họ đầu hàng.

Ông Ibrahim cũng cho biết chính phủ đang gửi nhiều phái đoàn tới châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại nước này.

Trong khi đó, Chuẩn tướng Rob Weighill, người phụ trách các chiến dịch của NATO tại Libya, ngày 29/4 cho biết liên minh này sẽ triển khai kế hoạch mới tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Gaddafi. Ông này còn cho biết "trong vài ngày tới" sẽ thấy được kết quả của kế hoạch trên.

Đánh giá về xung đột Libya kéo dài, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 29/4 cho biết khủng hoảng lương thực có thể xảy ra ở Libya trong vòng vài tháng tới.

Xung đột vũ trang đã phá hoại nghiêm trọng hệ thống cung cấp và phân phối sản phẩm ở Libya. Hiện quốc gia Bắc Phi này đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lương thực và nhiên liệu. Các hải cảng vốn là nơi tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa nay không hoạt động nữa. Libya là nước nhập khẩu tới 90% các sản phẩm lương thực-thực phẩm để phục vụ đời sống nhân dân. Ngay từ khi xảy ra tình trạng bất ổn trong nước, giá lương thực tại đây đã tăng hơn 30%.

FAO kêu gọi chính quyền nước này có biện pháp tức thời nhằm tăng nhập khẩu hàng hóa. Các chuyên viên cho rằng để làm được điều đó, cần dỡ bỏ việc phong tỏa các tài khoản của Libya tại các nước phương Tây.

Trước những diễn biến trên, phái đoàn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 29/4 đã tới thành phố Benghazi, căn cứ của lực lượng chống chính phủ Libya, để gặp các đại diện của lực lượng này. Nội dung các cuộc trao đổi không được tiết lộ.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết trước đó, ngày 28/4, phái đoàn này đã có các cuộc gặp ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara và Ngoại trưởng Italy tại Rome để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Libya, trong khuôn khổ các nghị quyết 1970 và 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.