Công tác trọng tài ít mắc sai sót. Và, quan trọng nhất chính là việc, số lượng khán giả đến sân xem bóng đá đông hơn. Trong đó, lượng khán giả của các đội bóng được coi là “nhà nghèo”, các đội bóng địa phương đang tạo ra những nét sắc thái đặc biệt cho sân chơi quốc nội.
Những con số biết nói
Sau 4 vòng đấu, đã có 194.000 khán giả đến sân (9.700 người/trận). Mùa giải trước, bình quân mỗi trận đấu chỉ có 7.200 người/trận. Với V-League, 2.000 khán giả là cả một vấn đề.
Thậm chí, mùa giải trước, mỗi trận đấu của CLB Hà Nội, hoặc Hà Nội T&T trung bình chỉ có 2.000 khán giả/trận.Lượng khán giả đến sân tăng lên, nhưng chủ yếu rơi vào các đội bóng địa phương, chứ không phải những đại gia vốn nhận được nhiều ưu ái của dư luận.
Hình ảnh các CĐV Nghệ An đã xua tan sự ảm đạm lâu nay của sân Hàng Đẫy..
Bốn đội bóng có lượng khán giả đông nhất là SLNA, Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng và Đồng Nai. Mùa này, chỉ 2 trận đấu với K.Kiên Giang và B.Bình Dương, sân Vinh đã đón tổng cộng 23.000 khán giả (trung bình 11.500 người/trận).
Cần phải nhấn mạnh rằng đó là thời điểm SLNA chưa “nóng máy” nên sức hút với khán giả chưa cao. Bằng chứng là trong trận đấu với Hà Nội T&T, hơn 10.000 CĐV xứ Nghệ đã nhuộm vàng sân Hàng Đẫy.
Một con số vô cùng ấn tượng với một đội bóng tân binh khi nhắc đến các CĐV của Thanh Hóa. Qua 2 trận đấu trên sân nhà, hơn 20.000 CĐV đã đến sân. Nên nhớ rằng, sức chứa của sân Thanh Hóa chỉ vào khoảng 10.000 chỗ ngồi nhưng lượng người có mặt trên các khán đài luôn cao hơn "con số kỹ thuật".
Hiệu ứng từ khán giả
Số lượng khán giả gia tăng là một điều đáng mừng cho V-League. Các nhà tài trợ vốn đang rất nản lòng với bóng đá đã có lý do để ở lại. Đơn giản bởi, họ nhìn thấy mối lợi từ việc gắn bó với một sân chơi vốn đang thu hút được đông đảo khán giả. Tin rằng, nếu lượng khán giả tiếp tục gia tăng thì các đội bóng và bản thân BTC giải sẽ cải thiện được năng lực tài chính.
Lâu nay, các đội bóng ở Việt Nam luôn có một ao ước là lấy các hoạt động đá bóng để nuôi bóng đá. Thế nhưng, không có nhiều đội bóng làm được điều đó.
Sự kiện Hàng Đẫy chật kín vòng đấu vừa qua đang mang đến một bước ngoặt mới cho những nhà quản lý bóng đá. Số là CLB Hà Nội T&T đã thu được gần 1 tỷ đồng tiền bán vé trong trận đấu với SLNA. Con số này gần bằng số tiền mà Hà Nội T&T thu được từ bán vé trong cả mùa giải 2012.
Đến đây, các đội bóng nhà giàu vốn quen tiêu tiền từ túi các ông chủ nhận ra rằng, họ hoàn toàn có thể kiếm tiền từ bán vé nếu thi đấu tốt. Và họ càng ngỡ ngàng hơn khi Thanh Hóa, SLNA mỗi trận đấu trên sân nhà đều bán được 400 - 500 triệu đồng tiền bán vé. Ở Hải Phòng, số tiền thu được có những trận lên đến cả tỷ đồng. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, cả mùa giải, Thanh Hóa, SLNA và Hải Phòng có thể thu được từ 5 - 7 tỷ đồng tiền bán vé.
Các đội bóng nhà nghèo đang cứu V-League khỏi sự nhàm chán. Không những thế, các đội bóng nhà nghèo còn chỉ ra cho các đại gia của làng bóng đá một con đường để "thoát nghèo" trong bối cảnh nền kinh tế đang khủng hoảng. Đó mới là điều đáng nói.