Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà nước và DN cùng phát huy nội lực để hội nhập thành công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi gặp mặt các DN tham gia Diễn đàn DN Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhà nước và DN cùng phải phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh để hội nhập thành công.

Chiều tối 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp (DN) tham gia Diễn đàn DN Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, cộng đồng DN Việt Nam đang ở điểm giao thoa và có từ 5-7 năm để chuẩn bị thích ứng với sự chuyển dịch về các chuỗi sản xuất trên thế giới. Các Hiệp định Thương mại tự do mở đường tái cấu trúc nền kinh tế và tạo ra hàng chục triệu việc làm trong tương lai. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra một làn sóng đổi mới thứ 2, khi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo bệ đỡ cho DN hội nhập…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân kinh doanh, làm ăn, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam hội nhập thành công. Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm qua cũng là bước ngoặt lớn về hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định Thương mại tự do, đưa Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua hội nhập, DN đã có bước trưởng thành lớn và nhà nước hoàn thiện thế chế, luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của quốc gia cũng như DN là sức cạnh tranh còn yếu, trong khi đó mục tiêu của 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cho đến giờ này không còn cách nào khác là nhà nước và DN cùng phải phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh để hội nhập thành công. Thủ tướng nêu rõ, để có một đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác DN phải là người đi đầu thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, còn nhà nước chỉ có thể mở thêm thị trường, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho DN.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục tập hợp mọi kiến nghị của cộng đồng DN để Chính phủ có thể ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồnhg DN Việt Nam kinh doanh và hội nhập thành công.

* Cũng trong tối 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp mặt với Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty và các DN ngành Công Thương về những bước chuẩn bị, ứng phó với hội nhập kinh tế quốc tế trong năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Công Thương vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Công Thương vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Phát biểu trước lãnh đạo Bộ Công Thương và các DN lớn nhất cả nước như Tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Da giầy cùng với Tập đoàn Than và Khoáng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các DN ngành Công Thương vào tăng trưởng của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo đủ năng lượng, xăng dầu, phân bón, hóa chất và máy móc lớn cho nền kinh tế cũng như tiến trình hội nhập của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thành tựu trong 5 năm qua, cùng với thành tựu của 30 năm Đổi mới đã tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để cả nước có lòng tin vào sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho 5 năm tới. Bước vào năm  2016, các tập đoàn, tổng công ty và DN ngành Công Thương nói riêng cũng như DN cả nước phải phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương phải có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và hoàn thiện thể chế.

Theo đó, lãnh đạo Bộ phải tập trung rà soát thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi của Bộ Công Thương để có những điều chỉnh cần thiết nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho DN đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó Bộ cũng phải rà soát điều chỉnh chiến lược và quy hoạch trong điều kiện kinh tế thị trường, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

 Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải hết sức quan tâm phát triển thị trường trong nước, đi cùng với việc tận dụng tối đa việc giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và DN của Bộ Công Thương nhất là điện và than phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để kinh doanh hiệu quả và năng suất cao hơn từ đó nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Trong tái cơ cấu phải thực hiện cổ phần hóa, tạo ra đa sở hữu để tạo ra năng lực quản trị mới, đi cùng với đổi mới công nghệ để hạ giá thành và nâng cao năng suất lao động.