Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà nước và người dân cùng chia sẻ trách nhiệm ​cải tạo xây dựng chung cư cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy diễn ra chiều 15/12, ông Vũ Ngọc Đạo - Trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Toàn TP hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây từ năm 1960 đến cuối 1980.

Do nhu cầu cải thiện điều kiện ở, hầu hết hộ dân đã tự cải tạo cơi nới lấn chiếm diện tích, làm thay đổi kết cấu nhà, giảm tuổi thọ công trình; quy hoạch trước đây đều bị phá vỡ...
Khu tập thể C8 Giảng Võ. 	 Ảnh: Hải Linh
Khu tập thể C8 Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh
Theo chỉ đạo của TP, Sở Xây dựng đã chủ trì hoàn thành kiểm định 42 công trình trong kế hoạch 2015 để xác định các nhà nguy hiểm cấp độ D (là những chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn, hoặc đã được xây dựng và sử dụng từ những năm 1960, đã hư hỏng, xuống cấp mức độ nặng, cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm cần phải di dời, chống đỡ). Số chung cư cũ đưa vào diện kiểm định năm 2016 là 62 công trình và năm 2017 là 75 công trình. Còn lại, 380 công trình chung cư cũ trước mắt chưa đưa vào kiểm định.

Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (có hiệu lực từ 10/12/2015), Bộ Xây dựng đã dự thảo Thông tư hướng dẫn và Sở Xây dựng đang lấy ý kiến từ các sở, ngành, quận, huyện và nhà đầu tư đóng góp vào Thông tư. Căn cứ Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 101, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng trình TP thành lập Ban Chỉ đạo về cải tạo chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ kiểm định các khu chung cư cũ hoàn thành trong năm 2016 để đưa vào kế hoạch cải tạo xây dựng lại, đồng thời xây dựng Kế hoạch này báo cáo UBND TP trình HĐND TP thông qua trong năm 2016.

Trước câu hỏi về nguyên nhân của tình trạng ì ạch trong cải tạo xây dựng chung cư cũ, nhất là di dời hộ dân ra khỏi những tòa nhà xuống cấp trầm trọng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Về việc di dời người dân khỏi các nhà nguy hiểm, như nhà C8 Giảng Võ với khoảng 50 hộ dân, dù TP đã có chủ trương, vận động nhưng nhiều người dân không chấp thuận di dời. Bên cạnh đó, từ khi có Nghị quyết HĐND năm 2005 đến giờ, TP mới cải tạo được 14 nhà, chưa đạt 1% tổng quỹ nhà chung cư cũ. Cần nhìn nhận rõ, việc cải tạo chung cư cũ phải đảm bảo công bằng xã hội: Nếu Nhà nước bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ thì không công bằng cho những người ở nhà riêng lẻ. Thực tế từ trước đến nay, các cư dân từ tầng 2 trở lên cơ bản đồng thuận; chỉ các hộ tầng 1 quyết liệt không đồng tình chủ trương di dời để cải tạo xây mới, thậm chí đòi đền bù rất cao đối với phần diện tích cơi nới lấn chiếm, mà trong quy định là tầng 1 phải thu hồi, dân ở từ tầng 2 trở lên. Vì vậy, rất khó cho nhà đầu tư, và đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến công tác này ì ạch. “Không thể nói Nhà nước không quan tâm, vì thực tế đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế tạo điều kiện tối đa cho người dân. Quy định xuyên suốt trong các văn bản luật, Nghị quyết HĐND TP từ trước đến nay là người dân phải tự lo kinh phí cải tạo nhà, còn TP có trách nhiệm trong vấn đề quy hoạch, lập kế hoạch, thẩm định các phương án bồi thường và năng lực nhà đầu tư… Với những người dân không đủ điều kiện kinh tế để chuyển đổi, cải tạo nhà, có thể tìm hiểu gói vay 30.000 tỷ đồng, tiếp cận mua nhà ở xã hội...” - ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Đẩy nhanh việc phá dỡ phần vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực
Liên quan đến việc giải quyết sai phạm tại tòa nhà 8B phố Lê Trực liệu có đảm bảo tiến độ do Chính phủ yêu cầu, ông Lưu Quang Huy - Phó Chánh văn phòng UBND TP cho biết: Ngày 10/12 vừa qua đã có kết luận của Thanh tra về các sai phạm của chủ đầu tư, và đơn vị chủ đầu tư công trình đã báo cáo UBND quận Ba Đình về công tác phá dỡ. Trong đó, dự kiến, giai đoạn I phá dỡ tầng tum và tầng 19, giai đoạn II phá các tầng tiếp theo. Theo chủ đầu tư, phá dỡ không thể vội vàng để đảm bảo an toàn cho nhà dân, nên đến nay mới phá dỡ được gần 50m2 sàn trên tầng tum. Tuy nhiên, bên cạnh việc dựa trên kết luận của Thanh tra để có chỉ đạo tiếp theo, UBND TP vẫn cương quyết yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phá dỡ, nếu không thực hiện thì sẽ tiến hành cưỡng chế để đảm bảo tiến độ. Thời hạn “chốt” của công tác phá dỡ còn phải căn cứ vào cuộc làm việc với đơn vị kỹ thuật và đơn vị thi công trong vài ngày tới, song theo chỉ đạo của TP, vấn đề tuyệt đối đảm bảo an toàn phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình phá dỡ.