KTĐT - Năm 2009 là một năm khởi đầu quyết liệt của chương trình nhà ở xã hội. Nhiều dự án nhà ở xã hội đã được các doanh nghiệp tích cực triển khai nhưng xem ra vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong phân khúc thị trường này.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Tại hội nghị Tổng kết “Nhà ở xã hội một năm nhìn lại”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2009 là năm khởi đầu khá quyết liệt của chương trình nhà ở xã hội. Hiện tại, trên cả nước có 24 dự án nhà ở công nhân khởi công xây dựng với tổng số vốn khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng số diện tích sàn 753.000 m2; 31 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng là 655.000 m2, tương ứng với khoảng 7.500 căn hộ.
Thực tế cho thấy, một căn hộ diện tích 50m2 với mức giá bán bình quân từ 300 - 500 triệu đồng. Nếu thực hiện hình thức thuê mua (trả trước 20%) trong 20 năm, hàng tháng người mua chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng cho 1 căn hộ (4 người).
Do đó, mức giá này phù hợp với khả năng chi trả đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, với mức thu nhập bình quân khoảng dưới 2 triệu đồng/tháng/người).
Dự kiến trong năm 2010, những dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở thu nhập thấp đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng như dự án nhà ở xã hội tại khu ĐTM Việt Hưng (Hà Nội), dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên do Cty CP Bêtông và Xây dựng Xuân Mai làm chủ đầu tư (Vĩnh Phúc) và 16 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM với tổng số khoảng 1.609 căn hộ chung cư.
Tuy nhiên nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại các địa phương trên cả nước là rất lớn.
Theo báo cáo, có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng; có 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng, số căn hộ dự kiến cần đầu tư khoảng 205.380 căn hộ, nhằm đáp ứng cho khoảng 821.520 người.
Sẽ triển khi 30 dự án thí điểm trong năm 2010
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Trong năm vừa qua, các giải pháp của Chính phủ và Bộ Xây dựng đã thúc đẩy thị trường bất động sản và nhà ở phát triển ổn định bền vững, được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập tại các địa phương trên cả nước bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, đó là về quỹ đất. Để tháo gỡ những khó khăn, Bộ đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp vay vốn tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với mức lãi suất ưu đãi (6%-7%/năm), thời hạn vay từ 10-15 năm.
Theo kế hoạch sẽ triển khai khoảng 30 dự án thí điểm trong năm 2010 và trong vòng 6 năm nữa 50% sinh viên và 60% công nhân, cán bộ công nhân viên có thu nhập thấp có nhà ở.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các địa phương các cấp cần quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo quỹ đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp trên từng địa bàn cũng như cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn tiến độ triển khai các dự án nói trên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà hiện tại việc triển khai nhà ở xã hội gặp một số khó khăn về vốn do không huy động vốn ngân sách nên phải sử dụng nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Trong khi đó, thời gian qua việc triển khai các dự án đầu tư đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm kinh tế của thế giới và trong nước.
Ngoài ra, đối với nhà ở thu nhập thấp các chủ đầu tư khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua như nhà ở thương mại. Ngoài ra, vấn đề thủ tục hành chính còn gây khó khăn đối với các nhà đầu tư, do đó tiến độ triển khai các dự án nhà ở thu nhập thấp chưa được như mong muốn.