Theo Thông tư 07/2013/TT- BXD, hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà Nghị quyết 02/NQ–CP của Chính phủ, các dự án nhà ở thương mại diện tích 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có cơ hội được hưởng khoản vay 30.000 tỷ đồng. Với điều khoản đó, thị trường Hà Nội có hàng chục dự án thương mại đáp ứng được. Dự án The Sun Garden (89 Phùng Hưng, Hà Đông), diện tích 67 – 103m2, giá bán 14 – 16 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Kim Văn – Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai), diện tích 45 – 77m2, giá 13 – 15 triệu đồng/m2. Phúc Thịnh Tower (QL 32), diện tích căn hộ đa dạng 54 – 95m2, giá 12 – 14 triệu đồng/m2. CT6 Đặng Xá (Gia Lâm) 46 – 70m2, giá bán 13,4 triệu đồng/m2…
Không chỉ đưa mức giá thấp, trên dưới 15 triệu đồng/m2 mà các chủ đầu tư còn đưa ra rất nhiều chiêu ưu đãi, hình thức hỗ trợ hấp dẫn cho khách hàng như đa dạng lựa chọn căn hộ theo mức độ hoàn thiện; linh hoạt tiến độ đóng tiền, tặng gói nội thất; tặng tivi, điều hòa, ô tô, xe máy... Thậm chí nhiều dự án nhà ở thương mại đã cho khách hàng vay vốn lãi suất 0% trong nhiều năm hoặc chỉ cần thành toán 30% giá trị căn hộ là có thể vào ở ngay, phần còn lại được trả chậm trong thời gian dài. Tuy nhiên, hầu hết các dự án giá “mềm”, đủ điều kiện về diện tích này đều nằm ở khu vực ngoại thành như huyện Từ Liêm, Hoài Đức... sức mua và độ mặn mà của khách bị hạn chế.
Khu đô thị Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Nhà ở xã hội đua nhau khởi công
Phát nổ đầu tiên phải kể đến dự án Tây Nam Linh Đàm do Công ty CP Phát triển NOXH HUD.VN (đơn vị thành viên Tổng công ty dầu tư và phát triển nhà HUD) thực hiện và Công ty CP BIC làm chủ đầu tư. Dự án thuộc quỹ đất 20% của TP Hà Nội, với tổng số 6 công trình chung cư, chiều cao từ 9 - 18 tầng với tổng diện tích xây dựng khoảng 75.815m2. Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm sẽ hoàn thành trong năm 2015, cung cấp 1.037 căn hộ diện tích từ 32 – 76m2. Mức giá dự kiến 12 triệu đồng/m2 và giá căn hộ thấp nhất là dưới 400 triệu đồng.
Tiếp đó là Dự án Sunny Garden City (Quốc Oai) do Công ty CP Đầu tư C.E.O với diện tích 10.528m2 cung cấp khoảng 500 căn hộ diện tích từ 30 – 70m2. Dự án nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm) do Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, với khoảng 2.500 căn hộ, diện tích 30 – 70m2, đáp ứng chỗ ở cho 6.400 người. Giá bán dự kiến dưới 9 triệu đồng/m2.
Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong tháng 6 này sẽ có thêm nhiều dự án được khởi công, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội Dự án Hoàng Quân Plaza (TP Hồ Chí Minh) do Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư; Các dự án khu nhà ở xã hội tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Vinh (Nghệ An)…
Nguy cơ tồn kho mới
Phát triển nhà ở xã hội là câu chuyện không mới, mà khi Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 1/1/2006 và Nghị định 71/2010/NĐ – CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở được ban hành đã quy định rõ vấn đề này. Trước tình hình, thị trường BĐS đóng băng, thiếu nguồn cung nhà giá rẻ, diện tích nhỏ như hiện nay, Chính phủ chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm cân đối và thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại về lượng “hàng tồn” mới sẽ xảy ra. GS TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Với sự phát triển rầm rộ các dự án nhà ở xã hội như hiện nay, nếu không nghiên cứu, tính toán kỹ, sẽ lại dư thừa nguồn cung, bế tắc đầu ra trong tương lai”.
Đồng quan điểm đó, TS Phạm Sỹ Liêm cũng cảnh báo: “Không phải cứ nhà giá rẻ là có người mua ngay, mà phải cân đối vị trí xây dựng. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền về những căn hộ giá rẻ tại Đặng Xá, Kiến Hưng, bán mãi không hết”.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước có 157 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Hiện có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 31 nghìn căn. Hà Nội có 6 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô 3.500 căn, 19 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội quy mô 10 nghìn căn, và thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. |