Nhà ở xã hội vẫn đói vốn

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đến năm 2020 nhu cầu về nguồn vốn vay để mua nhà ở xã hội (NƠXH) cần khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng cho nhu cầu này, chính sách về vốn vay mua NƠXH được đánh giá là đang gặp khó khăn.

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm. Ảnh: Thanh Hả
Thiếu vốn đầu tư

Tại Hội thảo phát triển NƠXH tại Việt Nam: Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi áp dụng đối với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Được áp dụng từ ngày 1/4/2019.

Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Chính phủ ban hành năm 2011, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH, đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc phát triển hệ thống NƠXH mới chỉ hoàn thành khoảng 33%.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung NƠXH cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, như việc quỹ đất hạn hẹp tại khu vực trung tâm. Trong khi hạ tầng kết nối trung tâm với các khu vực ngoại thành đang được kiện toàn nên người dân không muốn di dời đến những khu vực mới. “Việc bố trí vốn đầu tư là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với quá trình phát triển NƠXH, trong đó có vốn vay để cho chủ đầu tư xây dựng dự án và vốn vay cho người có nhu cầu mua nhà. Giai đoạn 2018 - 2020, Nhà nước sẽ bố trí khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng làm vốn vay mua NƠXH, nhưng nhu cầu thực tế đã cao gấp hàng chục lần” - ông Thục nói.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Phát triển NƠXH không còn là vấn đề mới hiện nay. Tại các quốc gia lân cận như: Singapore, Hàn Quốc... đã phát triển NƠXH từ thập niên 60, 70 thế kỷ trước và họ đã xây dựng được hệ thống pháp lý về NƠXH tương đối chặt chẽ. Tại Singapore có đến 85% dân số sống trong các dự án NƠXH, đặc biệt là 94% trong số đó là những người sở hữu căn hộ theo hình thức mua, còn lại 6% là những người thuê. “Việc quy hoạch, thiết kế, quản lý, vận hành sẽ do một đơn vị của Chính phủ quản lý. Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ do Chính phủ bố trí, việc đầu tư xây dựng các dự án NƠXH có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế tư nhân.
Đã đến lúc Nhà nước cần phải can thiệp sâu hơn vào các hoạt động đầu tư BĐS, bằng cách hạn chế các dự án BĐS cao cấp, ưu tiên đất để phát triển các dự án NƠXH. Ngoài việc tăng nguồn cung để ổn định giá bán NƠXH, Nhà nước cũng cần phải mạnh tay ngăn chặn nạn đầu cơ nhà bằng cách tăng thuê sở hữu nhà.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thu hút các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào xây dựng NƠXH là một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng thiếu vốn hiện nay. Nhưng cần phải lựa chọn những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt, để có thể tự triển khai được dự án, chứ không phải thu hút các thành phần tư nhân sau đó lại chờ đợi vào nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. “Trong thời gian qua, Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực tài chính để cho vay xây dựng các dự án NƠXH. Từ đó dẫn đến sự “ỷ lại” của nhiều chủ đầu tư, khiến cho các dự án triển khai chậm” - bà Phạm Chi Lan cho hay.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa để phát triển NƠXH, có thể lồng ghép các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới... điều chỉnh một phần nguồn vốn từ các nguồn này để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện làm vốn vay mua NƠXH. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể xem xét, bố trí nguồn vốn dự phòng để bù lấp khoảng trên 15.700 tỷ đồng vốn cho phát triển NƠXH đang còn thiếu đến năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần