Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mộng du qua cánh đồng hội họa

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm 2021, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa có triển lãm tranh đầu tiên với chủ đề “Người thổi sáo”.

Ông bộc bạch, mình đến với hội họa như một tay ngang, bị cuốn vào hành trình miên man trong thế giới màu sắc, để khi nhìn lại nhận ra rằng, bản thân không phải là họa sĩ nhưng bị sắc màu thống trị.
Âm nhạc trong tranh

Triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tên “Người thổi sáo” diễn ra tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội) đông kín người xem. Công chúng đến xem triển lãm là những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ, bạn bè của ông. Không học mỹ thuật bài bản, Nguyễn Quang Thiều vẽ bằng bản năng. Năm 2012, ông gặp một người thổi sáo mù khi đang ngồi uống cà phê ở Hà Đông. Khúc nhạc của người thổi sáo ám ảnh tâm trí Nguyễn Quang Thiều. Ông vẽ bức "Người thổi sáo" đầu tiên từ đó và lặp lại hình ảnh này trong nhiều tác phẩm.
 Bức tranh ''Người thổi sáo'' của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết dù là văn, thơ, họa hay nhạc thì đó cũng là phương tiện để ông nói lên tiếng lòng của mình. Trong các tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho thấy nhiều tưởng tượng khác nhau về cây sáo. Có tác phẩm, cây sáo được kéo dài và uốn cong như những thân cây. Ông cũng vẽ cây sáo cuộn tròn như con rắn, ở một bức tranh khác, cây sáo ẩn chứa những trang viết. “Người thổi sáo” là một thế giới trong giấc mơ, như nhiều lần ông chia sẻ trên trang Facebook cá nhân mỗi khi hoàn thành tác phẩm: “Tôi vẽ những bức tranh có hình ảnh cây sáo. Các ống sáo được vẽ đầu tiên có đầy đủ nốt và có cả những bức tranh ống sáo không cần lỗ. Âm thanh mà những ống sáo mang đến là thứ âm nhạc đặc biệt, sáo không lỗ nhưng vẫn có thể nghe thấy âm nhạc ngập tràn”.

Trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Đào Hải Phong đặc biệt thích cách hòa sắc đẹp, nhuần nhị và trí tưởng tượng bay bổng của một nhà thơ. “Vì Nguyễn Quang Thiều không học cơ bản về hội họa, ông mới liều được như thế trong việc đảo lộn không gian. Tranh của ông rất có thẩm mỹ. Ông vẽ những thứ mình làm chủ được và đi đến đích. Tranh của Nguyễn Quang Thiều cho thấy một nhà thơ nghĩ về hội họa thế nào” – họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

Người đi ngang cánh đồng hội họa

Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là người đi ngang qua cánh đồng hội họa mà bị hội họa thôi miên. Tuy nhiên, bạn bè ông cho rằng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mộng du qua cánh đồng hội họa, chưa từng học vẽ ngày nào nên cũng không cần quá để ý đến bút pháp, bố cục, phối màu, toàn bộ sự mộng du ấy đã chỉ huy, làm nên cái đẹp của tranh ông. Trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, ngoài hình tượng người thổi sáo còn xuất hiện cây cối, con chim, bình gốm. Chúng gắn liền với ký ức của nhà thơ về nếp nhà, khói bếp, gắn liền với khát vọng về một thế giới yên bình.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra thế giới mộng mị, trừu tượng, ẩn chứa chất thơ trong từng bức họa. Ông có cách chơi màu táo bạo, tạo nên sự tươi vui, rực rỡ cho các bức tranh. Chất dân gian qua hình ảnh những chiếc bình, cây sáo trúc, chim muông, hoa lá cũng hiện lên rõ rệt.

Nói về lời nhận xét, Nguyễn Quang Thiều là người đi ngang qua cánh đồng hội họa, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Trong triển lãm này có nhiều bức, tôi vẽ sau khi đọc một bài thơ của mình và ngược lại có những bức tôi vẽ xong thì tôi làm bài thơ trên cảm hứng bức tranh ấy. Lại có nhiều bức, tôi viết thơ tôi lên tranh nhưng thơ không hề minh họa cho tranh, tranh cũng không minh họa cho thơ. Chính xác thì thơ và tranh ở trong tôi, là một, là tôi”.

Chủ nhân của triển lãm “Người thổi sáo” tâm sự rằng, những văn bản ngôn ngữ như thơ, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim đã viết không thỏa mãn được mình, không giúp ông bày tỏ hết tâm tình nên ông phải dùng đến hội họa. Bởi thế, những ngày nghỉ cuối tuần, ông cặm cụi vẽ và thấy mình là cậu bé chạy trên cánh đồng của những giấc mơ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần