Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà văn Di Li: “Rồi cũng thoái trào”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong số không nhiều những cây bút tạo được dấu ấn trong thể loại sách du ký, nhà văn Di Li không dừng lại ở “Đảo thiên đường”, mà tiếp tục với “Nụ hôn thành Rome” và còn nhiều dự án khác ở phía trước.

Nhà văn Di Li: “Rồi cũng thoái trào” - Ảnh 1Tuy nhiên, Di Li cũng thừa nhận, trào lưu du ký rồi cũng thoái trào khi số lượng người Việt ra nước ngoài nhiều đến mức bão hòa.

Sau “Đảo thiên đường”, Di Li muốn gửi gắm điều gì tới bạn đọc trong “Nụ hôn thành Rome” vậy?

- Gần 10 năm trở lại đây, số lượng người Việt trẻ dịch chuyển ngày càng nhiều, đam mê dịch chuyển ngày càng được thắp sáng và tôi chỉ muốn độc giả hiểu thêm về các nền văn hóa khác nhau, cũng như góp phần truyền cảm hứng du ngoạn đến người Việt Nam, một dân tộc vốn dĩ chưa có văn hóa dịch chuyển với mục tiêu khám phá, tìm kiếm kiến thức và hưởng thụ như nhiều dân tộc khác. Trong cuốn sách này và “Đảo thiên đường”, cũng có nhiều mẹo du lịch tôi nghĩ là bổ ích với những người chuẩn bị đi đến các vùng đất đó. Bởi trước mỗi chuyến đi, tôi mất cả tháng trời thu thập thông tin trên mạng về điểm đến, chưa kể phải gọi điện hỏi rất nhiều người về giá cả, phương tiện, hành vi văn hóa bản địa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu… Giờ tôi cố gắng cô đọng mọi kinh nghiệm của tôi về những chuyến đi để giúp tiết kiệm thời gian cho những người du lịch. Cuốn sách, vì thế nó có thể đóng vai trò cẩm nang du lịch, bên cạnh giá trị văn chương và giải trí.

Trào lưu sách du ký vẫn đang cuốn hút giới trẻ, cả người đọc lẫn người cầm bút viết. Di Li nhìn nhận thế nào về trào lưu này?

- Thực ra thể loại du ký gần đây rất thịnh hành. Sự phát triển của thể loại du ký song hành với đời sống ngày càng cao của người Việt Nam, sự hội nhập thế giới ngày càng nhanh chóng và vì thế, nếu như cách đây 20 năm, từ “xuất ngoại” vẫn còn là khái niệm xa xỉ và xa vời thì giờ đây mọi người trung lưu đều có thể thực hiện được nó. Tất cả các cây bút dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có một đóng góp tuyệt vời cho ngành du lịch Việt Nam mà theo như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một người cũng đi rất nhiều thì “Có được sự nở rộ du lịch nước ngoài như bây giờ, tôi nghĩ, Tổng cục Du lịch rồi các công ty du lịch đang thu bộn tiền kia phải có lời cảm ơn các cây viết “xuyên lục địa” này là một trong những tác nhân cần mẫn, bền bỉ, tâm huyết nhất đã liên tục phất ngọn cờ đó lên”.

Còn cả những tác giả du ký mới và những tác phẩm du ký mới đua nhau ra đời thì sao?

- Thú thực tôi là một người viết chuyên nghiệp và là một người đi lại khá nhiều thì tôi biến thành một độc giả khó tính hơn, tôi đòi hỏi cả nghệ thuật viết và thông tin du lịch thực sự hữu ích, xác thực và thiết thực ở một tác phẩm nên tôi cũng không đọc nhiều sách du ký. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, đảm bảo cả hai yếu tố này trong một tác phẩm là điều rất khó, vì khi viết tôi cũng rất khó khăn khi cân bằng việc cung cấp những thông tin cần thiết nhưng lại phải diễn tả nó bằng văn chương thay vì biến nó thành cẩm nang du lịch.

Ở góc nhìn của một nhà văn, theo Di Li, sức sống của “trào lưu viết du ký” này sẽ thế nào? Liệu nó có phải là nhất thời như một thứ “mốt” trong văn học?       

- Như mọi trào lưu khác thì tôi dự đoán trào lưu này rồi cũng thoái trào khi mà số lượng người Việt đi ra nước ngoài sẽ nhiều đến mức bão hòa. Thực ra tôi nghĩ sách du ký không dành cho những đối tượng không ưa dịch chuyển, nhưng cũng không được những người du lịch chuyên nghiệp ưa thích. Bởi những người đi quá nhiều, đi khám phá thực sự chứ không phải đi công tác, họ biết cả rồi, thậm chí còn khó chịu vì cuốn sách nhắc lại (nhiều khi sai sự thật) những điều mà họ đã biết. Song nếu những cuốn sách du ký là một tác phẩm văn học thực sự, thay vì chỉ tường thuật những trải nghiệm, thì nó sẽ còn sống được mãi. Như “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” là cuộc du hành xuyên châu Á của tác giả Paul Theroux từ năm 1973 mà cho đến giờ vẫn được coi là cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại và thu hút hàng triệu độc giả.

Cảm ơn Di Li!