Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện những điểm nghẽn cần khắc phục trong thủ tục hành chính

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng có buổi làm trực tiếp kết hợp trực tuyến với 3 bộ và 8 địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm trực tiếp kết hợp trực tuyến với 3 bộ (Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông) và 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Nhận diện những điểm nghẽn cần khắc phục trong thủ tục hành chính - Ảnh 1

                                 Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình phát biểu

Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai 10 tháng qua của 3 bộ, 8 địa phương trong công tác cải cách thủ tục hành chính và đánh giá qua theo dõi của Cơ quan thường trực Tổ công tác cho thấy, việc cải cách việc thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, các bộ, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác này và có một số kết quả nổi bật như: việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục, còn 24 thủ tục chưa đơn giản hóa; Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 101/202 quy định kinh doanh, còn 101/202 quy định chưa thực thi.

Đối với, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 30/52 thủ tục, giấy tờ công dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 48/68 thủ tục. Bộ Ngoại giao đã cắt giảm, đơn giản hóa 25 thủ tục hành chính.

Về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia: Tỷ lệ đồng bộ hồ sơ của Bộ Quốc phòng trên Cổng đạt 100%. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng bộ với Cổng trên 19.400 hồ sơ. Tỷ lệ này của các địa phương: Cần Thơ đạt 100%, Tây Ninh đạt 98,56%, Hải Phòng đạt 77,17%, Hải Dương đạt trên 72%, Hà Nội đạt gần  66%, Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 39%... Đối với tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đạt 96,76%, Bộ Thông tin và truyền thông đạt 46,53%... với các địa phương, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ…

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết: "Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm và đã chú trọng đánh giá tác động các quy định về sự cần thiết tính hợp hiến, hợp pháp. Trên cơ sở đó để ngăn ngừa ngay những thủ tục không cần thiết gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong quá trình xây dựng văn bản. Đối với các địa phương thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Hải Phòng Quảng Ninh và Hà Nội đã lần lượt là 61,38 %, 35,03 % và 10,44%; đối với Thành phố Hồ Chính Minh các bộ, ngành đã thực hiện công bố 460, thủ tục đủ điều kiện cung cấp toàn trình."

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các ý kiến tại buổi làm việc cho biết, vẫn còn những tồn tại cần chú ý khắc phục như tình trạng công bố, công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, kịp thời; việc thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công chưa thực chất, còn phức tạp; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy được hiệu quả…; chưa bảo đảm việc đồng bộ tình trạng hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nêu những khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động, và ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam nêu ý kiến: "Doanh nghiệp có dự án 5-7 năm, có những dự án treo không giải quyết, Chính quyền trả lời cứ vòng vo. Thực tế ra một văn bản mà đến 3 lần sửa, rất nhiều các thủ tục phát sinh- giảm được cái này, nhưng chúng ta lại tăng quan điểm ý chí của người làm do yếu kém để thao túng cái nếp cũ. Cho nên tôi đề nghị nâng cao vai trò, kỷ cương của cấp chính quyền tại các địa phương".

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính thời gian tới, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu đưa ra đề xuất: "Chúng tôi cũng đề xuất trong thời gian tới, khi tổ công tác thu thập được rất nhiều phản ánh, kiến nghị với những vấn đề có hướng giải quyết cụ thể, những vấn đề rất rõ ràng- thì có thể ban hành hướng dẫn chung giống như Sổ tay các bộ, ngành và địa phương để người dân, doanh nghiệp có thể dựa vào đấy mà phối hợp để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn."

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp căn cơ tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời nêu rõ, mục tiêu phấn đấu tạo nền hành chính thông thoáng thuận tiện, vì nhân dân phục vụ- đây cũng là chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta. Phó Thủ tướng cho rằng, việc nhận diện được những điểm nghẽn, tồn tại sẽ khắc phục được những hạn chế, tạo được thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Qua đó tạo tạo sự phát phát triển bứt tốc cho đất nước thời tới.