Kinhtedothi - Tại cuộc tọa đàm về các dự án bauxite do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan & Nature) tổ chức hôm 28/3 vừa qua, ông Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc các dự án Đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sau khi phân tích các yếu tố đầu vào, đầu ra, công nghệ khai thác hiện nay của các dự án bauxite đã cho rằng, các dự án này nếu sản xuất 660.000 tấn sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD.
Hiệu quả kinh tế đang tăng lên
Tuy nhiên, ngày 30/3, Bộ Công Thương đã có thông cáo chính thức về vấn đề này, trong đó nêu rõ, nhận định các dự án bauxite đang lỗ vốn là thiếu cơ sở. Theo Bộ Công Thương, năm 2011, Thủ tướng đã giao Bộ chỉ đạo TKV rà soát, tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế các dự án. Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, theo kết quả tính cập nhật đến ngày 26/4/2014, có thể tính toán, đánh giá “dự án có hiệu quả” với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5năm. Đầu năm 2014, giá bán (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300 - 310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350 - 360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án là 325 USD/tấn.
Đại diện Vụ Công nghiệp nặng cho biết: Từ cuối năm 2014 đến nay, thị trường alumin thế giới có xu thế tăng giá, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên, thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo. Về Nhà máy alumin Nhân Cơ có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với dự án alumin Tân Rai, nên thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm. Vì vậy, đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxitesẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD" là vội vã, thiếu cơ sở.
Công nghệ được đánh giá là tiên tiến
Trái với ý kiến của chuyên gia cho rằng, TKV đã "sập bẫy giá rẻ Trung Quốc" đối với công nghệ khai thác, tuyển quặng alumin, Bộ Công Thương khẳng định, các vấn đề về công nghệ đã được chuyên gia của Hội đồng giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN) xem xét thận trọng và kỹ lưỡng, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Dự án cũng lựa chọn công nghệ Bayer châu Mỹ, hòa tách ở nhiệt độ 1450C, áp suất 5 - 7atm cho quặng bauxite gipxit là hợp lý. Đây là công nghệ được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới cho các nhà máy alumin chế biến quặng bauxite gipxit. Công nghệ áp dụng cho nhà máy alumin Tân Rai được đánh giá là tiên tiến.
Theo Bộ Công Thương, nhà máy tuyển quặng do Việt Nam tự thiết kế, không phải của Trung Quốc, do tính đặc thù quặng bauxite Tây Nguyên thuộc loại khó tuyển nên ban đầu cũng gặp không ít trục trặc, công suất đạt thấp, tỷ lệ thu hồi quặng tinh không cao. Đến nay, TKV đã tiếp nhận, làm chủ công nghệ nên các chỉ tiêu công nghệ đạt tốt như Hội đồng khoa học công nghệ đã đánh giá. Rút kinh nghiệm từ dự án Tân Rai, Nhà máy tuyển của dự án Nhân Cơ đã có những khâu cải tiến đáng kể, nâng cao tỷ lệ thu hồi quặng tinh, giảm tổn thất.
Vụ Công nghiệp nặng cho biết, dự án Tân Rai sau một năm vận hành thương mại bước đầu đã có kết quả tích cực, đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2013 là 93 tỷ đồng và tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.284 tỷ đồng. Ước tính, sau khi dự án đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỷ đồng/năm, doanh thu của dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm.
Khu Dự án bauxite Nhân Cơ, Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Quân
|