Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình “Phụ nữ với an toàn giao thông”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu ùn tắc và TNGT một cách bền vững, bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là giải pháp được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Đã có nhiều cách làm, mô hình được triển khai có hiệu quả góp phần giảm thiểu tai nạn, UTGT. Điển hình là cuộc vận động "Phụ nữ cả nước tích cực tham gia giữ gìn TTATGT, đô thị (giai đoạn 2003 - 2013), đã có tác động lớn đến nhận thức của người dân, nhất là nam giới về ATGT. 

 
Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông” thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.
Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông” thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.

Mô hình được nhân rộng

CLB "Phụ nữ và gia đình thực hiện ATGT" thị trấn Cầu Diễn được thành lập cách đây 5 năm, bắt nguồn từ việc đường Hồ Tùng Mậu, đường K3 thường xuyên bị hàng quán lấn chiếm và không được xử lý triệt để dẫn đến ùn tắc, tai nạn, mất mỹ quan đô thị. Ban đầu CLB chỉ có 20 chị em tham gia và chưa vận động được nhiều phụ nữ là những người buôn bán trên vỉa hè. Nhưng càng về sau, nhiều hội viên phụ nữ và gia đình nhận thấy đây là cầu nối giúp người tham gia giao thông hiểu nhau hơn, nên mô hình thí điểm đầu tiên của Hội LHPN TP Hà Nội ngày càng phát triển và được Ban ATGT TP đánh giá cao. CLB đã tổ chức rất nhiều hoạt động để giúp chị em nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, và qua chị em phụ nữ để tuyên truyền đến tất cả các thành viên trong gia đình, từ đó góp phần hình thành nên văn hóa giao thông.

Với thành công bước đầu, mô hình phụ nữ với ATGT đã phát triển mạnh trong địa bàn thủ đô và cả nước. Đến nay, T.Ư Hội LHPN đã thành lập 53 mô hình CLB "Phụ nữ với ATGT" tại 43 tỉnh, thành. Các cấp Hội phụ nữ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để triển khai công tác tuyên truyền kiến thức ATGT với nhiều hình thức phong phú như tổ chức các diễn đàn giao lưu, hội thi, giao lưu sinh hoạt, truyền thông cộng đồng... nhằm giáo dục cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đảm bảo TTATGT. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phát huy vai trò của người phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động chồng con và người thân trong gia đình không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các cấp hội cũng đã xây dựng được một số mô hình điểm như "Gia đình hội viên phụ nữ cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang để buôn bán, họp chợ, gây ách tắc và TNGT", "Gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ cam kết đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông - vì sự an toàn của trẻ", "Tổ phụ nữ vận động chồng con không lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông và đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông". Nhờ sự sáng tạo trong cách làm cũng như sự tham gia tích cực của từng cán bộ, hội viên phụ nữ đã làm mạnh hơn lực lượng giữ gìn trật tự ATGT, trật tự đô thị, làm phong phú thêm đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật về ATGT.

Tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ

Nhắc đến phụ nữ khi tham gia giao thông, ai cũng nhận thấy họ là người điều khiển phương tiện "hiền" hơn nam giới, nhưng lại là đối tượng có nguy cơ bị TNGT cao hơn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã khẳng định: "Phụ nữ và trẻ em là đối tượng luôn phải gánh chịu những tổn thất nặng nề khi TNGT xảy ra, ngay cả khi họ không phải là người bị tai nạn", vì vậy chị em phụ nữ cần tích cực phát huy vai trò là người vợ, người mẹ, người chị trong gia đình, để tuyên truyền vận động người thân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông và văn hóa giao thông.

Tuy nhiên, những tác động của phụ nữ tới nam giới - người thường xuyên điều khiển phương tiện giao thông hiện nay vẫn chưa thực sự mạnh. Thực tế cho thấy, sau mỗi buổi liên hoan, ăn uống, người đàn ông dù đã rơi vào tình trạng không tỉnh táo do sử dụng rượu bia vẫn thường chở vợ con về nhà chứ không để phụ nữ cầm lái. Đây là tình trạng phổ biến trong nếp nghĩ, nếp sống của người dân Việt Nam chứ không riêng gì ở Hà Nội. Vì vậy, chị em phụ nữ cần thường xuyên khuyên bảo chồng, con ít uống bia, rượu để lái xe an toàn. Nói vậy để thấy rằng, vai trò của phụ nữ tác động lên nam giới trong bảo đảm an toàn giao thông cần phải mạnh hơn, sâu hơn nữa. Mạnh hơn tức là tăng về số lượng. Trong các cuộc liên hoan, giỗ chạp…, nếu chỉ một người phụ nữ khuyên can thì nhóm nam giới khó có thể dừng uống bia, rượu được nhưng nếu nhiều chị em cùng lên tiếng thì cánh đàn ông sẽ phải dừng lại. Và nếu đã để chồng con uống rượu thì kiên quyết không cho họ điều khiển phương tiện giao thông để tránh nguy cơ tai nạn. 

Trong bất kỳ công tác nào, sự đoàn kết cũng là điều kiện quan trọng để dẫn tới thành công. Phong trào "Phụ nữ với ATGT" cũng vậy, chỉ hời hợt thôi chưa đủ mà còn phải đoàn kết, phải hoạt động mạnh và sâu sát hơn, không chỉ ở các buổi họp mà còn trong cả những cuộc vui, có như vậy mới phát huy hết tiềm năng của lực lượng xung kích quan trọng này, góp phần bảo đảm ATGT cho gia đình và toàn xã hội.