Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi: Hướng đi hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, nấm linh chi đang mở ra hướng làm giàu cho các hộ nông dân. Tuy nhiên hiện nay, các mô hình trồng nấm linh chi trên địa bàn Hà Nội còn khá nhỏ lẻ, phân tán do đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Hiệu quả cao

Bắt đầu trồng nấm từ năm 2006 nhưng ba năm nay, chị Nguyễn Thị Thiện - Chủ nhiệm HTX trồng nấm Sáng Thiện, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn mới triển khai trồng nấm linh chi. Chị chia sẻ, nấm linh chi có năng suất thấp nhưng giá trị kinh tế lớn. Mỗi năm, HTX Sáng Thiện trồng khoảng 12 tấn nguyên liệu nấm linh chi, sản lượng nấm khô thu được đạt 750kg. Với giá bán 800.000 đồng/kg, tổng thu từ nấm linh chi của HTX đạt 600 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi 350 triệu đồng. Cùng với linh chi, các loại nấm khác như nấm sò, mỡ, kim châm... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX. Với quy mô diện tích 5.300m2, doanh thu từ trồng nấm của HTX Sáng Thiện đạt hơn 2,5 tỷ đồng/năm.
Ươm giống nấm linh chi tại xã Đông La, huyện Hoài Đức.          Ảnh: Quang Thiện
Ươm giống nấm linh chi tại xã Đông La, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
Một trong những người trồng nấm linh chi có bề dày kinh nghiệm trên địa bàn Hà Nội là anh Nguyễn Văn Lợi, xóm 5, xã Đông La, huyện Hoài Đức. Cách đây 20 năm, được sự giúp đỡ của GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, vợ chồng anh Lợi đã bắt tay vào xây dựng mô hình trồng nấm với nhiều loại như linh chi, nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm đầu khỉ... Mỗi năm, trồng nấm mang lại cho gia đình anh doanh thu trên 500 triệu đồng. Anh Lợi cho biết, bình quân mỗi năm, gia đình anh trồng 10.000 bịch nấm linh chi, thu được khoảng 300 - 400kg nấm khô. Tuy nhiên, trồng nấm linh chi có thuận lợi là thị trường tiêu thụ sản phẩm rất rộng lớn do nhu cầu tiêu dùng cao. "Dù bán với giá 1 triệu đồng/kg nhưng nhà tôi trồng được bao nhiêu nấm linh chi là có người đến đặt mua hết” - anh Lợi chia sẻ.

Đảm bảo giống và kỹ thuật

Theo chị Nguyễn Thị Linh, chủ cơ sở sản xuất nấm Lợi Linh, xã Đông La, huyện Hoài Đức, nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật khắt khe từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Do đó, để nhân rộng được mô hình trồng nấm linh chi cũng như các loại nấm dược liệu quý, cần phải có chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật bài bản cho nông dân.

Theo ông Đinh Xuân Linh - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp), cây nấm linh chi hoàn toàn có thể phát triển trên địa bàn Thủ đô. Hơn nữa, trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc nhân rộng các mô hình trồng nấm, trong đó có nấm linh chi là hướng giải quyết việc làm hữu hiệu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, vốn đầu tư trồng nấm linh chi cũng khá lớn nên cần có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân xây dựng lán trại và hệ thống trang thiết bị.

Với hiệu quả rõ rệt của cây nấm mang lại, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu". Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 cả nước sản xuất được 150.000 tấn nấm các loại, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nấm trong nước, xuất khẩu đạt tối thiểu 100 - 120 triệu USD/năm. Trong đó, nấm linh chi được xác định là một trong 6 loại nấm chủ lực. Muốn cây nấm thực sự trở thành sản phẩm chủ lực trong tương lai và tiến tới xuất khẩu, ngoài việc xây dựng được bộ giống tốt, công tác đào tạo nguồn nhân lực và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân đóng vai trò quyết định.