Kinhtedothi - Ngày 1/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nhận trách nhiệm vì chưa làm được theo yêu cầu
Đề cập đến tình trạng thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua nông, lâm sản trái phép, trong đó có nhiều mặt hàng thu mua rất "bí hiểm" như lá khoai lang, mầm thảo quả…, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Mã Điền Cư và ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị làm rõ vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trong công tác này và trách nhiệm của Bộ trưởng. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "xin nhận trách nhiệm của mình về việc quản lý thị trường, dù đã cố gắng nhưng vẫn để xảy ra tình trạng như vậy ở chỗ này chỗ kia" và khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý để quản chặt nhưng không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại bình thường trong bối cảnh hội nhập.
Từ vấn đề dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh và giảm giá mạnh, ĐB Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: "Ai phải chịu trách nhiệm?". Bộ trưởng Bộ Công Thương thanh minh: Đã cố gắng xúc tiến thương mại, áp thuế chống bán phá giá… để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân, nhưng cũng chưa làm được hết theo yêu cầu. Về việc giá đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều giá sản xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "ghi nhận" những chỉ trích, bức xúc của người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt thòi về giá. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh xem bán đúng giá không, còn cơ cấu giá hợp lý đến đâu, ngành tài chính chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi của ĐB Quốc hội Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) về công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tháng 1/2014, Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84, tuy nhiên, khi trình Chính phủ có 2/26 ý kiến còn phân vân về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ đang giải trình làm rõ, đồng thời Bộ cũng đã dự thảo Thông tư để khi nghị định ban hành sẽ thực hiện được ngay.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Hàng quý đều công khai mức thu, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối… Từ nay đến 10/4, sẽ công khai tiếp số dư của quỹ trong quý I. Trong năm 2013 chúng ta điều chỉnh giá 21 lần, trong đó chỉ có 5 lần tăng, cho thấy đã sử dụng tốt quỹ này.
Trả lời câu hỏi của các ĐB liên quan đến lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh và việc công khai, minh bạch giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: "Từ 2024 hoàn thành thị trường bán điện cạnh tranh hoàn chỉnh". Đồng thời cho biết, Bộ sẽ ban hành đề án giải thích rõ như thế nào là công khai, minh bạch trong việc tính giá điện. Trên cơ sở đó sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân giám sát. Ngoài ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận trách nhiệm về tình trạng "chảy máu" khoáng sản thô ra nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Kiên quyết loại bỏ cán bộ mất phẩm chất
Trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề y đức, đặc biệt là những sai phạm liên tiếp xảy ra trong ngành y thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ 2001, Bộ đã ban hành 12 quy định về y đức và tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ ngành y, tổ chức học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, ngành ban hành thông tư đạo đức hành nghề của đội ngũ bác sĩ và lập đường dây nóng… "Tất cả những giải pháp đó đã góp phần chấn chỉnh và nâng cao y đức của đội ngũ y tế". Theo Bộ trưởng có hai nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, đó là do tai biến y khoa và do tiêu cực. Về tai biến y khoa, Bộ trưởng khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, một khi có khám chữa bệnh thì có thể là khỏi bệnh, có thể để lại biến chứng và thậm chí có thể tử vong. Còn chữa bệnh thì còn tai biến. Đây là những lỗi của y khoa mà nền y học vẫn bất lực và có lẽ phải mấy trăm năm nữa vẫn còn. Về giải pháp, theo Bộ trưởng, giống như các nước là phải thành lập những hiệp đoàn y - dược sĩ và các hội đồng y khoa với các luật sư hiểu biết về y tế, để có những phán quyết khách quan, vừa bảo vệ lợi ích cho người bệnh, vừa bảo vệ cán bộ y tế.
Với loại tai biến gây ra do tiêu cực, tai biến do đạo đức nghề nghiệp, tức là không có trách nhiệm, không có tình thương với bệnh nhân, nhũng nhiễu, đòi hỏi, tắc trách… Bộ trưởng Y tế khẳng định: Không dám trả lời chính xác câu hỏi này, chỉ có cách là hạn chế bớt. Thứ nhất, ngành Y đã ra các văn bản quy phạm pháp luật; thứ hai là tăng cường công tác thanh, kiểm tra; thứ ba là giáo dục; và thứ tư là phối hợp rất chặt chẽ giữa người bệnh, gia đình người bệnh và người thầy thuốc. Đặc biệt, xử lý nghiêm khắc tất cả các sai sót, các trường hợp sai phạm khác đều được họp hội đồng hoặc xử lý hành chính, hình sự. "Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất đạo đức, nhưng cũng động viên kịp thời những người có tâm huyết" - Bộ trưởng khẳng định.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Công Thương cần tạo được chuyển biến trong quản lý thị trường, nâng giá nông sản… Bộ Y tế phải tạo được chuyển biến tích cực về quá tải về cơ sở vật chất, đội ngũ, y đức. Phải đổi mới thực sự, không thể để tình trạng bệnh viện quá tải nhưng lại đòi hỏi y đức và ngược lại bệnh viện đã hiện đại rồi nhưng lại thiếu giáo dục về y đức. Tất cả những yêu cầu này đòi hỏi các ngành, các địa phương đều phải có trách nhiệm và vào cuộc thực sự. Trong năm 2014 - 2015, sẽ tiếp tục có báo cáo Quốc hội về những chuyển biến, đổi mới và giải quyết từng bước những vấn đề cử tri, ĐB Quốc hội đã đặt ra. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
|
Liên quan đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán chi phí xây dựng biệt thự, nhà ở, bể bơi… vào giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và Thủ tướng cũng đã có kết luận về việc này. Theo đó, chỉ có 6 công trình liên quan, trong đó chỉ có Phú Mỹ 1 (được xây dựng đã lâu) có hạch toán tiền xây dựng nhà cho chuyên gia nước ngoài vào giá thành với trị giá 3,5 tỷ đồng trên tổng trị giá công trình 6.000 tỷ đồng, tất cả những trường hợp khác chưa hạch toán. |