Trước đó, ngày 15/3, Ban quản lý lao động của Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản đã nhận đơn từ đại diện nhóm lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc phản ánh, các lao động Việt Nam sang Nhật Bản phải lao động trong môi trường độc hại, điều kiện ăn ở kém, không đảm bảo sức khỏe, trái với hợp đồng ban đầu. Ngay sau khi nhận thông báo, Ban quản lý lao động, ĐSQ đã làm việc với công ty trực tiếp đưa lao động Việt Nam ở Nhật Bản, đề nghị phía công ty xem xét lại việc bên sử dụng lao động thu tiền quá cao so với điều kiện sinh hoạt của người lao động. Ban quản lý cũng đề nghị phía công ty đưa người sang Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với ĐSQ để xem thực tế nơi ăn ở và điều kiện làm việc của người lao động, cũng như thảo luận với chủ sử dụng lao động về những lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam. Hiện tại, ĐSQ Việt Nam tiếp tục theo dõi sát sao và phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của lao động Việt Nam. Nếu chủ lao động không đáp ứng các yêu cầu, ĐSQ Việt Nam ở Nhật Bản sẽ đề nghị cơ quan chức năng nước bạn can thiệp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay. Về trường hợp của chị Hoàng Thị Hiệu, người được cho là nạn nhân của các nhóm buôn người ở Vân Nam, Trung Quốc, Người phát ngôn cho biết, chị Hoàng Thị Hiệu theo bạn nhập cảnh trái phép qua vùng biên giới Lào Cai - Vân Nam và đang bị tạm giữ tại Quế Lâm, Trung Quốc để phục vụ điều tra. 2 người đi cùng, bị tình nghi là những kẻ buôn người, đã bị tạm giữ tại Quảng Tây để phục vụ điều tra. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đang làm việc nghiêm túc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.