Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhập siêu cao, không cẩn thận thua trên sân nhà!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Lâm Bích phân tích tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2015 do cơ quan này tổ chức, tại Hà Nội sáng nay 26/12.

Theo Tổng cục Thống kê, sau 3 năm liên tục xuất siêu, năm 2015, nhập siêu đã quay trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất của kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%).

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu tăng thấp là chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm so với năm trước, đặc biệt như dầu thô, cao su, than đá, cà phê, rau quả, thủy sản..., cùng với lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.  Với việc nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, cán cân thương mại (xuất khẩu tính theo giá FOB, nhập khẩu tính theo giá CIF - phương pháp Việt Nam thường sử dụng) rơi vào tình trạng thâm hụt với mức nhập siêu ước tính 3,2 tỷ USD.

 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 49,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng gia tăng nhập siêu từ các thị trường lớn khác như Hàn Quốc với 18,7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 45%. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD. Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD trong năm 2015.

Đáng chú ý nhập siêu hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD. Hàng nhập khẩu vào cạnh tranh lớn, gần đây, mức nhập siêu 2015 không những từ thị trường Trung Quốc mà còn  tăng ở cả thị trường Thái Lan, Malaysia…

Theo Tổng Cục Thống kê, khi các Hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực, hội nhập sẽ làm tăng canh tranh gay gắt hơn. Trong khi khu vực DN trong nước dường như khả năng nắm bắt với xu hướng mở cửa rất hạn chế, nội tại đặt ra vấn đề cần xử lý.

Theo tiến trình hội nhập, đến ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập, và sắp tới là các hiệp định thương mại TPP, các hiệp định song phương và đa phương khác . Sức ép cạnh tranh khi hội nhập rất lớn. “Riêng AEC sẽ là sức ép toàn diện với Việt Nam về hội nhập và cạnh tranh trên thị trường nội địa. Bởi chúng ta sản xuất được sản phẩm gì thì các nước ASEAN cũng có những sản phẩm tương tự như vậy với giá cả và sức cạnh tranh tốt hơn. Chưa kể, ASEAN còn dẫn đến những kênh hội nhập khác như ASEAN + Trung Quốc tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc thâm nhập dễ dàng vào thị trường các nước ASEAN. Do đó, DN phải nâng cao sức cạnh tranh nhiều, nếu không hàng hóa vào VN nhiều ta sẽ khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.”- Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Lâm Bích đánh giá.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2016, bên cạnh những thuận lợi sẽ kèm theo những khó khăn như giá dầu thô giảm, điều chỉnh giá các loại dịch vụ như y tế , giá điện… tiến tới giá thị trường tránh bù lỗ, cũng sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá. Năng suất lao động thấp, độ chênh với các nước ngày càng gia tăng. Sức ép về tỷ giá cũng được Tổng cục Thống kê nhắc tới. “Tác động của tỷ giá những tháng cuối năm 2015 và 2016 vẫn còn. Năm nay tác động của thị trường tiền tệ thế giới, sẽ ảnh  tới tỉ giá của ta. Khi tỷ giá nếu không điều chỉnh sẽ phải tăng lãi suất VND và về mặt vĩ mô sẽ tăng cho vay kéo theo chi phí cho DN tăng cao”, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia-Tổng cục Thống kê phân tích.
Thu NS đạt 884,8 nghìn tỉ đồng
Tính đến 15/12, tổng thu ngân sách ước đạt 884,8 nghìn tỉ đồng, bằng 97,1% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 657 nghìn tỉ, thu từ dầu thô 62,4 nghìn tỉ, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 160 nghìn tỉ. Về tổng chi ngân sách, ước đạt 1.064,5 nghìn tỉ đồng, bằng 92,8% dự toán, trong đó chi cho đầu tư phát triển 162 nghìn tỉ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỉ đồng; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỉ. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)