Tập đoàn điện tử hàng đầu nước này - Panasonic tuyên bố đang cân nhắc đóng cửa một số bộ phận trước nguy cơ thua lỗ năm thứ hai liên tiếp với mức dự báo 765 tỷ yen năm 2012. Cổ phiếu hãng này cũng đã giảm 20% năm ngoái, và số nhân viên bị cắt giảm tháng 9/2011 - 9/2012 là 38.000 người.
Một đại gia điện tử khác của Nhật là Sony thậm chí còn phải lên kế hoạch bán một trong những tòa nhà chính tại Tokyo (Nhật Bản) với giá khoảng 100 tỷ yen (1,14 tỷ USD). Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng này. Trụ sở của Sony tại Mỹ cũng đang được rao bán với giá 1,5 - 2 tỷ USD.
Ngày 11/1, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo tài khoản vãng lai nước này thâm hụt tới 222,4 tỷ yen (2,52 tỷ USD) trong tháng 11/2012, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2012 và cao hơn nhiều dự báo 17,1 tỷ yen của Bloomberg. Con số khổng lồ này được cho là do kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm trong năm qua, lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài giảm và thâm hụt cán cân thương mại 953,4 tỷ yen tháng 11/2012.
Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, Nhật Bản tuyên bố tung 10.300 tỷ yen (116 tỷ USD) vực dậy nền kinh tế. Khoảng 3.800 tỷ yen được dùng để ngăn chặn thảm họa và tái thiết cơ sở hạ tầng. Trong đó, 3.100 tỷ yen để khuyến khích đầu tư tư nhân. Văn phòng Nội các nước này dự đoán gói kích thích sẽ làm tăng GDP Nhật Bản thêm 2% và tạo ra 600.000 việc làm.
Sau thông báo của Chính phủ, đồng yen đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với USD ngày 12/1, với 89,45 yen một USD tại New York. Đồng tiền này đã yếu đi 9 tuần liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ năm 1989, khi thế giới kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo cũng vọt lên cao nhất 23 tháng.
Gói kích thích này sẽ là "lực nâng lớn cho kinh tế Nhật Bản", ông Kohei Okazaki, nhà kinh tế học tại Công ty chứng khoán Nomura (Tokyo) cho biết. Theo ông, việc này sẽ gây áp lực nới lỏng lên BOJ khi Chính phủ có thể ưỡn ngực tuyên bố họ đang làm tất cả những gì có thể.
Kích thích tài khóa còn có thể giúp ông Abe duy trì sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ Tự do trước cuộc bầu cử tại Thượng viện vào tháng 7, trong bối cảnh đồng yen đang suy yếu và chứng khoán tăng mạnh. Ông nhận định chấm dứt giảm phát, yếu tố kìm hãm tăng trưởng suốt thập kỷ qua, là vấn đề cấp bách với nước này. Vì vậy, ông muốn đề ra những chính sách thống nhất với BOJ, để đạt lạm phát 2% trong năm, gấp đôi mục tiêu hiện tại của BOJ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng gói kích thích này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Và đây nên được coi là bước khởi đầu cho quá trình phục hồi nền kinh tế Nhật. Tim Condon, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Asia ING Financial Markets (Singapore) cho biết: "Gói kích thích này rất lớn và sẽ là đòn bẩy mạnh với tăng trưởng. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó sẽ chỉ có tác dụng ngắn hạn như các gói trước mà thôi. Sau đó, tăng trưởng sẽ lại giảm. Tôi sẽ cảm thấy lạc quan hơn nếu BOJ đồng ý với ông Abe và sẵn sàng thay đổi chính sách tiền tệ".
Các chuyên gia tại Mizuho Corporate Bank, Barclays hay Moody's cũng đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng việc cải tổ, nhất là về tài khóa và lao động, mới mang lại tác dụng dài hạn và duy trì tâm lý lạc quan của thế giới với Nhật Bản. Một khi nước này giải quyết được vấn đề tăng trưởng, đồng yen sẽ yếu đi và gánh nặng nợ công sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.