Nhật Bản đau đầu với mối lo giảm phát

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) vừa kết thúc đã quyết định tiếp tục duy trì chương trình lãi suất thấp để kích cầu, đồng thời hạ dự báo về lạm phát mục tiêu cho 2 năm tài khoá tiếp theo.

Đây là lần thứ 6 liên tiếp BOJ phải điều chỉnh thời gian đưa lạm phát chạm mốc 2%.

 Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda- Ảnh Bloomberg

Theo biên bản cuộc họp, BOJ vẫn tiếp tục duy trì quan điểm áp dụng những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như duy trì lãi suất ở mức thấp, thực hiện chương trình mua sắm tài sản công để kích cầu, tạo đà tăng trưởng. Động thái này cho thấy sự thận trọng của BOJ bởi tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản chưa đủ mạnh khó có thể “rũ bỏ” ảnh hưởng của tình trạng giảm phát kéo dài. Trong nền kinh tế giảm phát, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giảm mạnh do giá giảm, trong khi tạo ra tâm lý hoãn chi tiêu của người dân do muốn chờ giảm giá sâu hơn. Một khi tâm lý chi tiêu tiết kiệm đã định hình trong người dân, các biện pháp kích cầu của chính phủ sẽ không còn đạt được hiểu quả như kỳ vọng. Đây là thực trạng mà nền kinh tế Nhật Bản đã phải đối mặt trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, khiến quốc gia này phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho Trung Quốc.

Đặc biệt, việc lạm phát vẫn chưa đạt được mức mục tiêu 2% buộc BOJ phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng từ tháng 9/2016. Theo BOJ dự báo, lạm phát trong năm tài khoá này sẽ ở mức 1,1%, giảm so với mức đưa ra trước đó là 1,4%; con số này trong năm 2018 sẽ là 1,8% thay vì 1,9%. Đây không phải là lần đầu tiên, BOJ phải hạ mục tiêu lạm phát kể từ lần đầu tiên có động thái này vào tháng 10/2014. Ông Masaaki Kanno, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc công ty Tư vấn tài chính Sony Financial Holdings khuyến cáo lạm phát ở mức thấp khiến kinh tế Nhật một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ giảm phát và cuộc chiến dài hơi chống giảm phát sẽ buộc BOJ phải thực hiện các biện pháp đi ngược lại với xu thế điều hành của các định chế tài chính khác trên toàn cầu. Tại cuộc họp vào cuối tuần này, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) được dự báo sẽ sớm đưa ra tuyên bố ngừng các chương trình kích cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có bước đi tương tự khi vào tuần trước, Chủ tịch Janet Yellen cho biết FED sẽ sớm tiến hành giảm quy mô tài sản nắm giữ, trong khi Ngân hàng T.Ư Canada (BOC) đã lần đầu tiên tăng lãi suất trong vòng 7 năm qua.

Mục tiêu đạt tỉ lệ lạm phát ở mức 2% được chính Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đề xuất, ông cũng là người đã khởi xướng chương trình kích cầu nền kinh tế với quy mô lớn chưa từng có vào tháng 4/2013. Đây được cho là nỗ lực đầy tham vọng của chính phủ Nhật Bản nhằm chấn hưng nền kinh tế. Tuy nhiên, trước thực trạng các biện pháp kinh tế chưa thể đẩy chỉ số lạm phát, người đứng đầu BOJ thừa nhận đang có một tâm lý muốn duy trì tình trạng giảm phát tại Nhật Bản. Điều này thể hiện ở mọi lĩnh vực trong nền kinh tế với xu hướng cắt giảm thời gian làm việc thay vì tăng lương để kích thích lao động. Diễn biến này phát đi dấu hiệu cảnh báo cho thấy mục tiêu lạm phát mà BOJ đưa ra sẽ khó đạt được trong tương lai:”Thị trường Nhật Bản không có đủ tự tin để tăng giá hàng hoá sau tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài hàng thập kỷ”, nhà kinh tế học Hiroshi Watanabe chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần