Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản khẩn trương tái thiết đất nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 10 ngày sau thảm hoạ động đất và sóng thần, nỗi đau dường như đang đè nặng cả đất nước Nhật Bản khi con số thiệt hại về người mỗi ngày một tăng thêm.

* Nhiều tu nghiệp sinh, sinh viên Việt Nam tham gia khắc phục thảm họa

 

KTĐT - Hơn 10 ngày sau thảm hoạ động đất và sóng thần, nỗi đau dường như đang đè nặng cả đất nước Nhật Bản khi con số thiệt hại về người mỗi ngày một tăng thêm.

 

Số người chết và mất tích trong trận "siêu động đất" đã vượt quá con số 21.000 người. Cảnh sát Nhật Bản cho biết, 8.649 người được xác nhận là đã chết, 12.877 người được báo là mất tích.


Bên cạnh nhiệm vụ nặng nề để tái thiết đất nước, Nhật Bản sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành những "chấn thương tâm lý” của thế hệ trẻ. Sau trận động đất kinh hoàng tại Kobe năm 1995, một thế hệ trẻ em Nhật Bản đã rất vất vả để vượt qua những mất mát. Điều này đang lặp lại với một mức độ nặng nề hơn. Theo Tổ chức từ thiện Save the Children, sau trận động đất hôm 11/3, khoảng 100.000 trẻ em đã phải di chuyển chỗ ở. Chỉ trong tích tắc, nhà cửa của các em chỉ còn là đống đổ nát, bạn bè hay chị em biến mất, bố hoặc mẹ, thậm chí cả bố và mẹ đều thiệt mạng. Mất mát to lớn đó khiến không ít em có biểu hiện thương tổn tâm lý từ la hét trong giấc ngủ hoặc im lặng cả ngày. Tại một số trường tiểu học, cảnh hàng chục học sinh vẫn mòn mỏi chờ bố mẹ đến đón từ hôm 11/3 khiến các giáo viên cảm thấy rất khó khăn để thông báo rằng bố mẹ các em đã bị thiệt mạng hoặc vẫn đang mất tích. Các chuyên gia tâm lý lo sợ việc điều trị tổn thương tinh thần cho trẻ em Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mọi người vẫn đang phải chen chúc tại những khu tạm trú thiếu thốn tiện nghi và những cơn dư chấn mạnh vẫn thường xuyên xuất hiện.


Bất chấp những ước tính khổng lồ về thiệt hại cũng như chi phí tái thiết phải bỏ ra, Nhật Bản vẫn đang rất tập trung cho công tác cứu hộ và khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Những nỗ lực của Nhật Bản đã được đền đáp khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đã có nhiều diễn biến tích cực tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ông Graham Andrew, một quan chức cấp cao của IAEA cho biết, mặc dù đã phát hiện i ốt phóng xạ ở một số loại rau mới trồng tại vài khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhưng tín hiệu đáng mừng là "mức độ phóng xạ tại các thành phố lớn của Nhật Bản đã không thay đổi đáng kể và vẫn dưới mức gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người".


Bên cạnh việc khẩn trương khắc phục hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần, Nhật Bản cũng nhanh chóng khởi động lại hoạt động sản xuất nhằm tái thiết đất nước. Đến thời điểm này, việc cung ứng xăng dầu cũng đã được khôi phục tại các khu vực ở miền Bắc Nhật Bản, sau khi một trong những đường ống dẫn dầu chính bị hư hỏng sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua. Ông Makoto Shioiri - người đứng đầu Công ty Cosmo, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất của Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mang đến nguồn cung xăng dầu ổn định, nhằm giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại".


Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cho các doanh nghiệp vay 10.000 tỷ Yên (tương đương 127 triệu USD) để hỗ trợ hoạt động tài chính và khắc phục thiệt hại sau trận động đất. Theo báo Nickey của Nhật Bản, chính phủ nước này có thể cung cấp tài chính đặc biệt dưới hình thức cho vay lãi suất thấp hoặc trợ cấp thanh toán lãi.


Mặc dù tình trạng mất điện và thiếu nhiên liệu vẫn đang diễn ra nhưng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã quyết định hoạt động trở lại trong tuần này như Nissan Motor. Ngoài ra, Honda, Toyota và Sony cũng tuyên bố đang cố gắng hết sức để khôi phục sản xuất tại các nhà máy trên khắp Nhật Bản.


Dù đã trải qua thảm họa kinh hoàng hôm 11/3 cũng như phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ phóng xạ nhưng nhiều tu nghiệp sinh, sinh viên Việt Nam vẫn đang bám trụ tại vùng động đất để giúp người dân Nhật Bản tái thiết. Trong lá thư của các tu nghiệp sinh Việt Nam tại hai nhà máy Daiei Hosei và Kanyon có viết: "Trong lúc khó khăn như thế này, cần phải chung sức nỗ lực làm việc giúp đỡ công ty gây dựng lại, cùng đất nước Nhật Bản vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam và Nhật Bản nên chúng em đã quyết định tiếp tục ở lại làm việc". Cùng với các tu nghiệp sinh, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang bám trụ ở vùng Tohoku để tiếp tục học và chung tay giúp người dân nơi đây khắc phục thảm họa, tái thiết đất nước Nhật Bản.