KTĐT - Trận động đất/sóng thần hồi tháng trước đã tấn công miền đông bắc Nhật Bản, khu vực vốn có tỷ lệ tự sát cao.10 năm trước
Các quan chức Nhật Bản đang lo ngại rằng cảm giác tuyệt vọng có thể khiến các nạn nhân động đất tự kết liễu cuộc đời mình. Giới chức đã lập đường dây nóng, hỗ trợ điều trị tâm lý và tư vấn với hi vọng có thể ngăn chặn các trường hợp tự sát.
Bà Naoko Sugimoto gần đây đã nghe thấy thông tin về các ca tự sát ở miền đông bắc Nhật Bản, vốn bị tàn phá bởi trận động đất 9 độ richter và sóng thần hồi tháng trước.
Một nông dân tự treo cổ vì đau buồn về mùa thu hoạch cải bắp bị tổn thất do phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I; một công chức chính phủ gần nhà máy kết liễu đời mình vì làm việc quá sức; ông bố tự sát sau khi không tìm thấy con sau sóng thần. Đó là các trường hợp rải rác mà bà Sugimoto lo ngại có thể nhanh chóng trở thành dây truyền.
“Tôi cảm thấy thương xót cho những người này giống như thương xót những người chết trong sóng thần”, bà Sugimoto, 67 tuổi, trưởng nhóm trợ giúp ngăn chặn nạn tự sát Izoku Shien cho biết. “Nhưng họ không chết trong sóng thần, mà họ chết sau đó. Họ đã tự kết liễu cuộc đời mình và điều đó khiến bạn tử hỏi: “Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn điều đó?”.
Khi Nhật Bản đang tái thiết sau thảm hoạ ngày 11/3, các quan chức y tế lo ngại rằng cảm giác tuyệt vọng trong số những người bị ảnh hưởng có thể dẫn tới nạn tự sát gia tăng tại một trong những quốc gia vốn có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới. Họ đã lập các đường dây nóng về tự sát, đổ tiền cho các chương trình điều trị tâm lý và cử các cố vấn tới những khu vực mà họ lo ngại.
Trong những tháng tới, khi những người bị mất nhà cửa bởi động đất/sóng thần tiếp tục cuộc sống, một thực tế của thảm hoạ sẽ trở nên rõ ràng hơn đối với nhiều người, các quan chức chính phủ, các tổ chức cứu trợ và các nhân viên y tế cho hay.
Một số người mất nhà cửa, gia đình và bạn bè có thể sẽ tự hỏi: “Tôi phải sống vì cái gì?”.
Hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng Nhật Bản đã chứng kiến nạn tử tự gia tăng sau trận động đất Kobe năm 1995 vốn khiến 6.400 người thiệt mạng. Những người tự sát bao gồm Phó thị trưởng thành phố, Tacoma Ogawa, người đã tự sát đúng dịp kỷ niệm tròn một năm sau thảm hoạ.
Giờ đây, bà Sugimoto thấy lo lắng cho các binh sĩ và quan chức cảnh sát, những người đã tham gia chiến dịch tìm kiếm các thi thể trong vài tuần qua, và các công nhân nhà máy Fukushima I đang phải chạy đua với thời gian để ngăn cuộc khủng hoảng hạt nhân thêm trầm trọng.
“Tất cả họ đều có thể bị tổn thương do hậu quả của thảm hoạ, điều sẽ dần dần hiện rõ theo thời gian”, bà Sugimoto nói.
Nhật Bản đang đối mặt với nạn tử sát vốn tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và đã chạm ngưỡng 30.000 người mỗi năm trong năm thứ 13 liên tiếp.
Cứ 15 phút lại lại có một người tự sát tại Nhật Bản, khiến tự sát trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu trong nam giới độ tuổi 20-44 và phụ nữ độ tuổi 15-34.
Tháng 3 - thời điểm cuối năm tài chính của Nhật - thường là tháng có tỷ lệ các ca tự sát cao nhất. Hơn một nửa số ca tự sát được cho là liên quan tới các vấn đề tài chính.
Trận động đất/sóng thần hồi tháng trước đã tấn công miền đông bắc Nhật Bản, khu vực vốn có tỷ lệ tự sát cao.10 năm trước, các tỉnh trên đảo Honshu, đảo chính của nhật Bản, đã đối mặt với nạn tự sát cao gấp đôi tỷ lệ trung bình cả nước, một khuynh hướng mà các chuyên gia liên hệ tới những nhân tố như thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ người già ốm yếu cao.
Năm 2007, các quan chức chính phủ trung ương đã thông qua một đạo luật yêu cầu các thành phố trợ giúp để ngăn chặn nạn tự sát, yêu cầu mỗi tỉnh thành lập một văn phòng phòng chống tự sát.
Tỷ lệ tự sát ở phía bắc Honshu đã giảm kể từ khi đó. Nhưng 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ gần đây đã được thiết lập đường dây nóng ngăn chặn tự sát cho những người sống sót, bà Sugimoto nói.
Gaithri Fernando, một phó giáo sư tâm lý tại Đại học California State (Mỹ), cho rằng chính phủ Nhật Bản nên thiết lập một mạng lưới an toàn tài chính cho các nông dân, ngư dân và những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ.
“Nguy cơ bị trầm cảm vẫn hiện hữu. Nó không chỉ gây ra bởi những thảm hoạ lớn mà còn cả những năm về sau này khi mọi người cố gắng xây dựng lại cuộc sống và gặp những khó khăn hàng ngày như chuyện điện, nước sạch”, bà Fernando nói.
Các thành viên gia đình cho hay người nông dân tại tỉnh Fukushima tự sát vì ông tin rằng đã mất tất cả những gì ông làm được trong suốt cuộc đời. Con gái của ông này nói: “Chúng tôi không biết tình hình như thế này sẽ kéo dài đến bao giờ? Chúng tôi sẽ như thế nào? Tôi nghĩ mọi người liên quan tới ngành nông nghiệp đều lo lắng. Tôi cầu nguyện rằng sẽ không còn có thêm nạn nhân nào giống như cha tôi”.
Bà Sugimoto cũng có hi vọng như vậy. “Chúng ta không biết trước được điều gì sẽ đợi chúng ta ở trang mới của cuộc đời. Mọi người cần chờ đợi và xem điều gì sẽ xảy ra”, bà nói.