Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản luôn sẵn sàng đối phó với thảm họa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù hàng năm phải hứng chịu hơn 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ, trong đó có nhiều trận động đất kèm sóng thần nhưng tổn thất về người tại Nhật Bản thường thấp hơn so với các nơi khác.

KTĐT - Mặc dù hàng năm phải hứng chịu hơn 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ, trong đó có nhiều trận động đất kèm sóng thần nhưng tổn thất về người tại Nhật Bản thường thấp hơn so với các nơi khác. Tất cả là nhờ hệ thống cảnh báo hiện đại, cơ sở hạ tầng được xây dựng có khả năng chống chọi với các dư chấn mạnh, giáo dục ý thức đối phó với thảm họa...

Hệ thống cảnh báo hiện đại

Sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter năm 1923 cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người, Nhật Bản đã đầu tư rất lớn vào hệ thống giám sát động đất. Đặc biệt, từ năm 1952, Cơ quan cảnh báo sóng thần được thành lập dưới sự điều hành của Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA), có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá thông tin từ Hệ thống quan sát sóng thần và động đất. Hệ thống này bao gồm 6 trung tâm khu vực kết nối với 300 bộ cảm biến đặt quanh quần đảo Nhật Bản, trong đó có 80 bộ cảm biến dưới nước để theo dõi hoạt động địa chấn suốt ngày đêm. Nhờ đó, JMA có thể phát đi cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút kể từ khi động đất bắt đầu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục tiêu mà JMA đặt ra là thông báo cho người dân đi sơ tán trong vòng 10 phút trước khi sóng thần ập đến nhằm giảm thiểu được tối đa thiệt hại về người.

Giáo dục ý thức đối phó với thảm họa

Tại Nhật Bản, khi động đất và sóng thần xảy ra, không hề có tình trạng hoảng loạn như các nước khác khiến công tác sơ tán và khắc phục sự cố gặp khó khăn. Để có được ý thức kỷ luật cao đó, người Nhật đã được học cách hành xử khi xảy ra động đất từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các "máy lắc" được đưa đến từng trường học để các em làm quen với tình trạng rung lắc của động đất nên không học sinh nào thấy sợ hãi khi các dư chấn xuất hiện. Ngoài ra, các em còn được học các kỹ năng tự giải thoát khi động đất xảy ra. Đặc biệt, mỗi học sinh còn được trang bị một balo chịu lửa, trong đó có đựng những vật dụng cần thiết phòng khi xảy ra động đất gồm: một gói thực phẩm khô, một chai nước, miếng dán giữ ấm, mũ bảo vệ đầu, khẩu trang chống bụi, còi kêu cứu, đèn pin… Tại các công sở và cả ở nhiều nhà riêng, người ta luôn để sẵn các túi khẩn cấp, trong đó có lương khô, nước uống, băng gạc thuốc men để tự sơ cứu… Trong mỗi gia đình người Nhật đều có một chiếc va ly đựng những vật dùng tối cần thiết phòng khi gặp họa.

Quy định nghiêm ngặt về xây dựng

Các công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng tại Nhật Bản phải đáp ứng những quy tắc xây dựng nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm đủ sức chống chọi với động đất mạnh. Từ năm 1981, Nhật Bản bắt đầu áp dụng những nguyên tắc xây dựng để chống động đất. Đến sau trận động đất tại Kobe năm 1995, Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu các biện pháp nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng để đối phó hiệu quả hơn với thảm hoạ. Đến năm 2000, các nguyên tắc xây dựng mới được đưa ra, theo đó, các toà nhà cao tầng tại các thành phố lớn đều được thiết kế để có thể lắc lư một cách linh hoạt mà không bị đánh sập khi xảy ra động đất. Trong thập niên 1980 - 1990, các tấm tường bê tông cao để ngăn nước đã được xây dựng tại nhiều khu vực. Ở các thành phố duyên hải, mạng lưới bộ cảm ứng được thiết kế để tạo ra các báo động đến từng khu nhà và đóng cửa ngăn lũ ngay lập tức để tránh nước tràn qua các cửa sông. Tại nhiều địa phương, hàng trăm khu vực lánh nạn được xây dựng nhằm đối phó với động đất và sóng thần.