Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, ngày mai ông Kishida Fumio cùng đại diện của 20 công ty hàng đầu nước này sẽ lên đường đến Tehran. Tại Iran, ông Fumio sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.
Theo giới chức Bộ Ngoại giao, thỏa thuận đầu tư này sẽ bảo đảm rằng các công ty của Nhật Bản nhận được sự bảo hộ pháp lý thích hợp và đối xử công bằng như những công ty Iran.
Từ tháng trước, 2 nước đã bắt đầu các cuộc thương lượng cấp chuyên viên và nếu thỏa thuận này được ký kết, sự kiện này sẽ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Thị trường Iran với gần 80 triệu người dân và tài nguyên thiên nhiên phong phú hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện, Nhật Bản vẫn nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu từ Trung Đông và sự trở lại của Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử P5+1 giúp giá dầu trên thị trường quốc tế giảm đáng kể. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể quay trở lại với dự án Azagedan ở Iran - khu mỏ với trữ lượng dầu thô ước tính đạt với 35 tỷ thùng.
Một lĩnh vực hợp tác khác là năng lượng hạt nhân hòa bình. Chính quyền Iran đang xem xét các phương án khác nhau nhằm phát triển năng lượng hạt nhân trong sự hợp tác với các công ty lớn của nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản. Sự hợp tác với Nhật Bản trong việc xây dựng các cơ sở hạt nhân mới ở Iran có triển vọng tốt nhất là khi tiến trình xuất khẩu công nghệ hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1" năm 2011 đã được tái khởi động. Điều quan trọng hơn, nhà máy điện hạt nhân "Bushehr" mà Iran định xây dựng cũng nằm trong khu vực thường xảy ra những trận động đất.
Sự hợp tác thương mại giữa Nhật Bản với Iran mở ra triển vọng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực: từ hàng không và hệ thống đường sắt mà Iran cần phải hiện đại hóa, cho đến công nghệ IT, chưa kể đến thị trường tiêu dùng. Iran sẽ nhập khẩu từ Nhật Bản xe ô tô và thiết bị điện tử.
Dù Nhật Bản đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều “đối thủ” nặng ký trong công cuộc chinh phục thị trường Iran nhưng Tokyo có một lợi thế hơn hẳn là chưa có bất kỳ xung đột nghiêm trọng với các quốc gia Hồi giáo. Dù quan hệ chính trị không phải là tích cực lắm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1929, nhưng, mối liên hệ kinh tế là rất chặt chẽ. Vào cuối những năm 1980, trong giai đoạn diễn ra “phép lạ kinh tế” Nhật Bản, Tokyo đã cấp giấy phép lao động di cư cho công dân Iran và cho phép họ thường trú ở Nhật Bản. Mặc dù sau vài năm quy định này đã bị bãi bỏ nhưng ở Nhật vẫn có một cộng đồng người Iran đủ mạnh để tạo nên lợi thế không nhỏ cho Tokyo. Đặc biệt, ngay cả khi lên án chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, Nhật Bản vẫn duy trì cuộc đối thoại trực tiếp với Tehran bằng cách cử nhiều chính trị gia và doanh nhân tới Tehran để bàn thảo với chính quyền Iran.
Trong bối cảnh Iran nổi lên như một thị trường hấp dẫn bậc nhất Trung Đông và chính phủ Nhật đang cố gắng thực hiện chiến lược kinh tế Abenomics, chuyến đi tới Tehran lần này của Ngoại trưởng và các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản được kỳ vọng là sẽ giúp Tokyo có được các hợp đồng khổng lồ, góp phần kích thích tăng trưởng.