Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhất nghệ…

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bỗng dưng thất nghiệp. Mà chẳng phải bỗng dưng, ngay từ năm ngoái khách hàng cứ thưa dần, thưa dần… ráng cầm cự đến hôm nay thì công ty tôi đành giải thể. Không biết những người cùng cảnh ngộ ra sao chứ cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hẳn.

Người xưa có câu "Hai vợ chồng son thêm đứa con là bốn". Nhưng, nói cho ngay, ngày trước lương giáo viên mầm non của vợ tôi được hơn hai triệu, lương bảo vệ công ty của tôi khoảng ba triệu mỗi tháng nên cũng không đến nỗi nào. Nay… cả tháng trời cầm hồ sơ đi gõ cửa khắp nơi… nơi nào cũng lắc…

Nằm nhà, rầu thúi ruột, nhìn chiếc xe máy phương tiện đến Sở ngày nào bỗng lóe ra một ý. Tối thủ thỉ với vợ, sau một thoáng chần chừ, nàng thở dài… đồng ý!

Ngày thứ nhất, dậy sớm, mắc thêm chiếc mũ bảo hiểm vào cổ xe, tôi bắt đầu đi rảo. Sở dĩ làm vậy vì nghề nào cũng có những luật bất thành văn, nơi ngã ba ngã tư, nơi cửa chợ góc phố, đã có sẵn lực lượng xe ôm thường trực, mình ma mới mà nhào vô thì coi chừng…
 
Nhất nghệ… - Ảnh 1
 

Cả buổi sáng, tôi dong xe hết đường nọ đến ngõ kia, cứ thấy người đi bộ là áp tới mời, ai cũng lắc. Vừa mệt vừa tốn tiền xăng, tôi than thầm: Coi bộ xe ôm vãng lai kiểu này không ổn.Ngày thứ hai, tôi thử tấp vô đoạn vỉa hè trước chợ Gò Vấp, một tay lái trẻ đang nằm dài trên xe ngồi phắt dậy gườm gườm, tôi lúng túng chưa biết xử thế ra sao thì một bác tài già thong thả đi tới: Lính mới hả?

- Dà… con vừa… thất nghiệp…

- Hổng sao! Chú em dựng sát xe vô kia kẻo cản trở người ta. Cùng cánh áo ngắn cả, có gì qua sẽ chỉ dẫn cho.

Bụng hết đánh lô tô, tôi mừng như bắt được vàng, thầm cảm ơn hai đồng nghiệp vỉa hè: Bác Sáu già và thằng Út.

Buổi trưa thấy tôi giở cơm hộp ra ăn, bác Sáu ái ngại: "Mai, qua sẽ dẫn chú em tới quán cơm bình dân của bà Tám. Bảo đảm rẻ và ngon hơn là cái chắc. Làm nghề này mà ăn như vầy hoài sao chịu nổi".

Trưa hôm sau, tôi theo bác Sáu và thằng Út tới quán cơm trong một hẻm cụt, trong bữa ăn, bác Sáu mới khề khà: "Hôm đầu tiên thấy chú em rón rén rề xe vô là biết ngay dân mới vào nghề, may mà gặp qua với thằng Út ở đây, chứ tấp qua bến khác gặp đám tài khác là có chuyện đấy… ma cũ bắt nạt ma mới mà"…

Từ trong chợ một bà khách lơn tơn ra cửa, bác Sáu chạy sang, mời: Đi xe không bà?

- Về Hạnh Thông Tây. Bi nhiêu?

- Dạ! Xin bà hai chục, mở hàng.- Rồi, hai chục. Đi!

Bác Sáu ngoắc tôi: "Chở bà đây về Hạnh Thông Tây, chạy từ từ thôi, không đi đâu mà vội". Thấy tôi chần chừ, Út giục: "Ông chạy đi, anh em cả mà". Tôi đạp cả chục cái mới nổ được máy, lúc quay về Út bảo: "Ráng chạy rồi dành tiền đổi xe mới, xe ôm thời nay cũng phải trông bắt mắt mới xong".

Bắt chước Út, tôi cũng ngả người trên xe, đầu gối lên yên hai chân gác xuôi tay lái làm giấc ngủ trưa. Út kể gia cảnh của cậu ấy: Một vợ, hai con hiện vẫn ở chung với cha mẹ già. Lúc trước có một dạo đi làm rừng nhưng sốt rét phải bỏ giữa chừng, học hành không đến nơi đến chốn nên chỉ kiếm được những công việc chân tay, để rồi gắn bó với cái bến xe ôm này.

Tôi ái ngại chuyện chạy ôm bị cướp, Út rùng mình kể lại: "Bữa đó, tầm tám giờ tối, có gã thanh niên thuê xe về Bà Điểm, nó rút túi móc tiền trả trước miệng không ngớt thúc chạy nhanh vì có chuyện nhà gấp, qua Bà Quẹo thì hết đèn đường lúc bấy giờ tự nhiên tôi thấy sợ, ruột gan cứ bồn chồn, gã khách ngồi sau chẳng nói năng gì.

 Tôi vừa chạy vừa cố nghe động tĩnh, lát sau xe xóc vì gặp ổ gà, lưng tôi chạm vào một vật cứng thủ trong vạt áo gió của khách. Thôi chết rồi… tôi toát mồ hôi lạnh… May sao vừa lúc ấy gặp một xóm nhà có đèn sáng, Tôi thắng gấp nhảy vội ra khỏi xe vừa chạy vừa hô hoán, bà con túa ra thì gã khách đã cắm đầu cắm cổ chạy mất tăm…".

Tối, đưa cho vợ những đồng tiền thành quả đầu tiên của nghề mới, tôi tủm tỉm cười. Nàng hỏi cười gì? Tôi định nói, nhưng lại sợ vợ cười. Thôi! Chỉ tự nhủ thầm: Người ta bảo "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh", nhưng hoàn cảnh như vầy thì xe ôm cũng là… nhất nghệ!