KTĐT - Chính phủ Nhật Bản hôm nay được dự đoán sẽ nâng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I lên cấp cao nhất trong thang đo quốc tế.
Hãng thông tấn Kyodo và kênh truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho hay, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ được nâng từ cấp 5 lên cấp 7 trong thang đo sự cố hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Nhà máy Fukushima I bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hôm 11/3. Từ đó đến nay chất phóng xạ liên tục phát tán ra ngoài bất chấp nỗ lực làm mát các lò phản ứng và ngăn chặn rò rỉ của hàng trăm công nhân trong nhà máy.
Trước đó hãng thông tấn Kyodo đưa tin Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản mới đo nồng độ phóng xạ tại nhà máy và kết quả cho thấy nó đã giải phóng 10 nghìn terabecquerel chất phóng xạ mỗi giờ. Mức độ phát thải ấy được duy trì trong nhiều tiếng đồng hồ.
Kết quả đo của Cục An toàn Hạt nhân buộc chính phủ Nhật Bản phải nghĩ tới việc nâng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Theo quy định của Thang đo sự cố hạt nhân quốc tế, những vụ tai nạn hạt nhân cấp độ 7 "giải phóng ra lượng chất phóng xạ lớn có khả năng tác động tới sức khỏe con người và môi trường trên quy mô rộng".
Với quyết định mới nhất của chính phủ Nhật Bản, sự cố tại nhà máy Fukushima I sáng ngang với thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Từ trước tới nay trên thế giới mới chỉ có một khủng hoảng hạt nhân được đánh giá nghiêm trọng ở cấp độ 7, Chernobyl. Một cuộc khủng hoảng ở cấp độ 6, từng xảy ra ở Nga năm 1957. Hai cuộc khủng hoảng khác ở cấp dộ 5 trong đó có một ở Anh và một ở Mỹ. Mỗi một cấp độ tăng lên biểu hiện cho sự tác hại gấp 10 lần, theo AFP.
Vụ tai nạn ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện Chernobyl đã gây ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Sai lầm trong thiết kế và điều khiển tạo thành vụ nổ mạnh đến mức thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4, phát tán vô số chất phóng xạ vào môi trường.
Con số thiệt hại về nhân mạng trong thảm họa cho đến nay vẫn còn là điều gây tranh cãi. Báo cáo năm 2005 của Chernobyl Forum - tổ chức được thành lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước Belarus, Nga, Ukraina - kết luận rằng, khoảng 50 người chủ yếu là công nhân trong nhà máy đã chết do phơi nhiễm phóng xạ. Họ ước tính 4.000 người khác có thể cũng chết sau đó do nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, tổ chức Hoà bình Xanh cho rằng, con số này cao hơn nhiều và lên đến 93.000 người.