Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhất trí nguyên tắc việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện EU có một quỹ cứu trợ khẩn cấp tạm thời, phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ra đời tháng Năm vừa qua sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

KTĐT - Hiện EU có một quỹ cứu trợ khẩn cấp tạm thời, phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ra đời tháng Năm vừa qua sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Tối 28/10, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra ở Brussels, Bỉ đã thỏa thuận trên nguyên tắc sẽ sửa đổi "có giới hạn" Hiệp ước Lisbon, được xem là Hiến pháp chung của EU, nhằm tăng cường việc quản lý kinh tế và tránh lặp lại khủng hoảng nợ trong khu vực.

Những sửa đổi này tập trung vào biện pháp đã được các bộ trưởng tài chính EU thông qua trước đó. Theo đó, EU có thể lập một quỹ cứu trợ lâu dài để có thể nhanh chóng viện trợ cho các nước thành viên bị khủng hoảng tài chính.

Quỹ này được gọi là cơ chế ứng phó khủng hoảng dài hạn để duy trì sự ổn định tài chính trong toàn khu vực đồng euro.

Hiện EU có một quỹ cứu trợ khẩn cấp tạm thời, phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ra đời tháng Năm vừa qua sau cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt lâu nay chỉ được áp dụng với những trường hợp vi phạm qui định về mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước, sẽ có hiệu lực đối với tất cả các chính sách kinh tế được xem là "nguy hiểm."

Chẳng hạn, một nước EU có nguy cơ rơi vào khủng hoảng bất động sản hoặc mất khả năng cạnh tranh sẽ phải điều chỉnh tình hình, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Dự thảo ngân sách của các nước thành viên EU phải được đưa ra xem xét tại hội nghị mùa Xuân hàng năm của EU nhằm đảm bảo các cơ cấu tài chính quốc gia không đi chệch hướng quá xa so với các mục tiêu ngân sách của EU. Đây là sự thay đổi đột phá trong cách thức quản lý kinh tế của EU.

Về cơ chế trừng phạt, EU lần đầu tiên sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt mang tính phòng ngừa đối với những nước vi phạm các quy định về nợ nhà nước (không được quá 60% GDP) và thâm hụt ngân sách quốc gia (không được quá 3% GDP), bằng việc buộc những nước có dấu hiệu vi phạm phải nộp cho EU một khoản tiền gửi có lãi hoặc không có lãi.

Điểm mới trong cơ chế trừng phạt là biện pháp cứng rắn này chỉ áp dụng với những nước không giảm mạnh được thâm hụt ngân sách trong khoảng thời gian sáu tháng điều chỉnh cho phép.

Cơ chế mới không cho phép áp dụng biện pháp trừng phạt một cách tự động, nhưng sẽ khiến cho chính phủ các nước EU khó phản đối quyết định trừng phạt hơn và có thể áp dụng biện pháp này ở giai đoạn sớm hơn trước đây.

Đề xuất của Đức về đình chỉ quyền bỏ phiếu của những nước vi phạm vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đại biểu tham dự hội nghị, do ý tưởng này có thể dẫn đến việc thay đổi mạnh mẽ Hiệp ước Lisbon, điều mà Ủy ban châu Âu (EC) đã khẳng định là "không thể chấp nhận được."

Theo quy định, bất kỳ đề xuất "viết lại" Hiệp ước Lisbon đều phải được lãnh đạo EU chấp thuận và được các nước thành viên EU thông qua dưới hình thức bỏ phiếu tại quốc hội hoặc trưng cầu ý dân.

Hiện tại, Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy được trao nhiệm vụ thuyết phục các nước EU đồng ý cải tổ Hiệp ước Lisbon và ông sẽ thông báo kết quả tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12 tới trên tinh thần ủng hộ những sửa đổi này.

Dự kiến, những sửa đổi trong Hiệp ước Lisbon sẽ có hiệu lực từ giữa năm 2013.