Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã liên tục leo thang kể từ sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ hôm 23/11/2013 và đỉnh điểm là chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tháng 12/2013. Những tranh cãi trên không có gì là mới mẻ, nó là vấn đề lịch sử và gần như năm nào cũng diễn ra với mục đích kìm chế ảnh hưởng của nhau trong khu vực cũng như trên thế giới. Bằng chứng là hôm 6/1, Nhật Bản đã công bố về chuyến thăm Trung Đông và châu Phi của Thủ tướng Abe đúng ngày Ngoại trưởng Trung Quốc lên đường tới 4 quốc gia châu Phi là Ethiopia, Djibouti, Ghana và Senegal. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2014 của Ngoại trưởng Vương Nghị đã nêu bật tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Tuy nhiên, không ít người chỉ trích Trung Quốc chỉ muốn vơ vét tài nguyên châu Phi hoặc không minh bạch trong hoạt động đầu tư ở đây.
Dù mục đích của chuyến thăm "lục địa đen" và "chảo lửa" Trung Đông (bắt đầu từ ngày 9/1) của Thủ tướng Abe được Tokyo lý giải là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia khu vực này, qua đó đảm bảo nguồn cung năng lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nhưng hầu như ai cũng hiểu, chuyến thăm này được thực hiện để gia tăng lợi thế trong cuộc đua áp đặt "quyền lực mềm" với Bắc Kinh tại đây. Trên thực tế, Nhật Bản đã mang theo những cam kết đầu tư hấp dẫn như hơn 60 tỷ Yen (tương đương 577 triệu USD) vốn vay cho Mozambique để xây dựng đường cao tốc và 10 tỷ Yên cho Ethiopia để xây dựng một nhà máy nhiệt điện. Đồng thời tuyên bố, đã đến lúc nước này và châu Phi trở thành đối tác kinh doanh thay vì "tài trợ - nhận viện trợ" như hiện nay. Những diễn biến này cho thấy, châu Phi rất có thể sẽ là "chiến trường" mới của Nhật Bản và Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai nước chưa hết căng thẳng vì tranh cãi liên quan đến lãnh thổ.
Theo kế hoạch, hôm 9/1, ông Abe tới Oman có cuộc gặp với Quốc Vương Qaboos bin Said nhằm kêu gọi vương quốc vùng Vịnh này ổn định nguồn cung dầu lửa và khí tự nhiên cho Nhật Bản; thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tại châu Phi, ông Abe sẽ thăm 3 nước gồm Bờ Biển Ngà, Mozambique và Ethiopia, đánh dấu chuyến thăm tiểu vùng Sahara ở châu Phi đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản trong 8 năm trở lại đây. Như vậy, Thủ tướng Abe đã thực hiện đúng cam kết đi thăm châu Phi mà ông đưa ra khi Nhật Bản đăng cai Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi hồi tháng 6 năm ngoái. Tại Hội nghị này, ông Abe đã nhấn mạnh, "châu Phi sẽ là trọng tâm phát triển trong vài thập niên tới và Nhật Bản phải thực hiện cam kết mang lại lợi ích cho cả hai". Vì thế không ngạc nhiên khi đại diện của 50 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tháp tùng ông Abe sẽ làm mọi cách để thiết lập và gia tăng "quyền lực mềm" tại các quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Phi và Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên đường thăm Trung Đông và châu Phi. Ảnh: NHK
|