Báo cáo của Bộ VHTT&DL cho thấy, những vi phạm trong hoạt động lễ hội từ đầu năm đến nay có phần "nhẹ" hơn về mức độ vi phạm và ít hơn về số lượng vụ việc so với năm ngoái, nhưng lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực mới.
Vi phạm giảm
Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, tính đến hết tháng 10, riêng Thanh tra Bộ đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại 46 điểm di tích của 17 tỉnh, TP. Kết quả thanh tra, xử lý vi phạm hành chính 2 tỷ đồng tại Chùa Hương và Đền Sóc (Hà Nội); thu 336 đĩa lậu và 270 các loại sách, báo văn hoá phẩm tại TP Hải Phòng; nhắc nhở nhiều địa phương có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, tổ chức, hoạt động dịch vụ… trong lễ hội.
Tại các địa phương, đội thanh tra liên ngành đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra trước, trong và sau khi lễ hội diễn ra, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động lễ hội. Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định cho biết: "Từ đầu năm đến nay, riêng tại huyện Vụ Bản, Thanh tra Sở kết hợp với các đơn vị phát hiện và xử lý 4 điểm xem bói, thu giữ 26 ấn Đền Trần bằng vải, 200 bùa ngải, 26 tập tiền polime âm phủ các loại, 491 quyển sách bói toán". Còn tại lễ hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh) lực lượng an ninh đã thu hồi 51 bản "Pháp luân công" và lập biên bản một đối tượng đang phát tài liệu này. Ngoài ra, còn thu 338 quyển sách tử vi và 448 băng đĩa không tem nhãn. Công an tỉnh còn bắt quả tang 8 đối tượng lợi dụng đông người trà trộn móc túi, 7 người đánh bạc, 3 trường hợp đốt pháo trái phép. Ở Hà Nội, Thanh tra Sở VHTT&DL đã có công văn gửi UBND huyện Thạch Thất về việc hướng dẫn xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long, xã Chàng Sơn. Tại Đền Hùng (Phú Thọ), Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra 128 cơ sở hoạt động văn hoá tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì, trong đó xử lý vi phạm 20 trường hợp chụp ảnh, 6 trường hợp bán hàng rong, đổi tiền lẻ, 34 trường hợp viết sớ; 25 trường hợp tổ chức chơi cờ thế sai địa điểm tại khu vực lễ hội, 3 cơ sở kinh doanh đĩa nhạc, 6 cơ sở kinh doanh văn hoá phẩm...
Vậy là, tuy năm 2013 vẫn xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động lễ hội, nhưng có phần "nhẹ" hơn về mức độ vi phạm và ít hơn về số lượng so với năm 2012.
Vẫn nhiều “biến tướng”
Dù vi phạm giảm, song lễ hội năm 2013 vẫn còn cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy điển hình như ở Đền Trần (Nam Định), Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội); hiện tượng trộm cắp, móc túi hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình ở hội Lim, Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); ăn xin, lên đồng, khấn thuê ở Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Đền Mẫu (Lạng Sơn) vẫn còn xảy ra… Việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội; đặt hòm công đức nhiều hơn quy định, tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, bài trí đồ thờ không đúng truyền thống còn xảy ra ở nhiều di tích, lễ hội; bố trí, sắp xếp các khu dịch vụ hàng quán còn chưa khoa học dẫn đến lộn xộn, nhếch nhác; nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, bày trang trí đồ thờ không đúng truyền thống; lắp bia ghi danh công đức, lắp đặt khung sắt, mái tôn, mái vẩy, tận thu dịch vụ... đã làm biến thể di tích.
Đặc biệt, nhiều biểu hiện tiêu cực mới xuất hiện trong hoạt động lễ hội đang làm đau đầu các nhà quản lý như: Tình trạng đặt giả hòm công đức tại lễ hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh); Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết tất cả các di tích, lễ hội lớn, gây bức xúc cho nhiều người; bày bán các loại đồ chơi có tính bạo lực như súng, kiếm, đao... (hàng Trung Quốc) quá nhiều tại các gian hàng trong lễ hội, trong khi các đồ chơi có giá trị văn hoá của nước ta lại ít được bày bán.
Để từng bước khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, năm 2014, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lễ hội toàn quốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nếp sống văn minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội; Kiên quyết, kịp thời xử lý với những sai phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội, xâm hại di tích; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, đặc biệt là những người trực tiếp tại di tích, lễ hội…