Kinhtedothi - Thành công lớn nhất của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đó là đã xử lý được số lượng không nhỏ các ngân hàng yếu kém nhưng đã không để xảy ra đổ vỡ, gây hoảng loạn hệ thống. Tuy vậy, nhiệm vụ tái cơ cấu NH hãy còn nhiều ngổn ngang... Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu" diễn ra sáng 23/10.
Các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ tái cơ cấu NH còn nhiều ngổn ngang
|
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, thực tế, tái cơ cấu làm nẩy sinh ra hàng loạt câu hỏi như: Thực chất của bước tiến mà quá trình tái cơ cấu ngân NH đạt được là gì? Sau hơn 3 năm thực thi, đâu là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu?, Tiếp tục quá trình đó, triển vọng của tái cơ cấu sẽ ra sao?
Trong 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống NH cùng với cả nền kinh tế đã phải vật lộn để giải quyết hậu quả giai đoạn phát triển trước để lại. Trước hết, đó là hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” của hệ thống NH, trong nhiều trường hợp có nguyên nhân từ việc đánh giá không đúng mức những rủi ro tiềm năng trong quá trình tạo lập và phát triển hệ thống.
Đó còn là hậu quả mà hệ thống NH phải gánh do cách tăng trưởng của nền kinh tế trong thời kỳ trước là tăng trưởng dựa nhiều vào “nguồn cung vốn dễ” và kinh doanh nặng tính đầu cơ, chộp giật của nhiều doanh nghiệp. Vay dễ, phục vụ “phong trào” đầu cơ bất động sản và chứng khoán, tạo nên các “bong bóng”.
Di sản trực tiếp để lại cho hệ thống NH là khối lượng nợ xấu lớn, “cục máu đông” rất khó tan của cơ thể kinh tế được cấu trúc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất non trẻ và yếu kém.
Theo ông Thiên, có thể nói 5 năm qua là 5 năm mà nền kinh tế và hệ thống NH phải “trả giá” cho những sai lầm, những yếu kém, non nớt của giai đoạn trước để lại. Di sản để lại, như chúng ta biết, là rất nặng nề, trong từng đơn vị riêng lẻ mà còn nặng nề hơn là trong cơ chế, cách thức vận hành và phương thức tăng trưởng mà nền kinh tế.
NH không phải chỉ xử lý vấn đề của riêng từng ngân hàng, của hệ thống mà còn phải góp phần “tháo gỡ” các vấn đề chung trong bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn, nhiều DN phá sản, ngân sách thiếu hụt, nhiều cân đối lớn bị chảo đảo.
Ông Thiên cũng cho biết thêm, trong mấy năm qua, tái cơ cấu hệ thống NH là một nhiệm vụ chiến lược lớn được triển khai quyết liệt trên thực tiễn. Cho đến nay, tuy được đánh giá đã làm được nhiều việc, đạt được những kết quả rõ rệt, song quá trình tái cơ cấu NH vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Đồng thời, trước mỗi cách làm, mỗi kết quả vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhưng về tổng thể, chúng ta đã thực hiện được hai nhiệm vụ quan trọng: Bảo đảm an toàn hệ thống và triển khai tái cơ cấu một cách bài bản, chắc chắn. Điều đó cũng có nghĩa, thành công lớn nhất của tái cơ cấu là lòng tin với hệ thống NH đã tăng lên một cách chắc chắn; đồng thời hệ thống NH được bảo đảm an toàn, ổn định để phát triển.
“Với kinh nghiệm sau 3-4 năm vật lộn tái cơ cấu cho thấy, đây là một quá trình phức tạp, không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”,“rối đâu gỡ đấy”. Để Tái cơ cấu thành công, rõ ràng không thể chỉ "chăm chăm" vào các vấn đề cụ thể đang đối mặt mà phải có một tầm nhìn xa - cả về hai phía, phía đã qua và phía sắp tới”, ông Thiên nhận xét.
Đến nay, phần lớn nợ xấu của hệ thống đã được nhấc ra khỏi bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng và chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC. Đến 30/9, VAMC đã mua được 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 9 cũng đã về mức 3% từ con số hơn 17% trước đây.
Theo TS Trần Du Lịch, cách lập công ty mua bán nợ VAMC xử lý nợ xấu bằng cơ chế chứ không bằng "tiền tươi thóc thật" là kiểu sáng kiến "tay không bắt giặc". "Chính phủ chưa có chủ trương dùng ngân sách để hỗ trợ mà các ngân hàng phải tự giải quyết. Có nghĩa là tôi không cho anh tiền xe nhưng anh vẫn phải đi đến nơi, giống như không có tiền vẫn phải đi bằng máy bay cho kịp thời gian", ông Lịch ví von.
Theo TS Trần Du Lịch, cách lập công ty mua bán nợ VAMC xử lý nợ xấu bằng cơ chế chứ không bằng "tiền tươi thóc thật" là kiểu sáng kiến "tay không bắt giặc".
|
Ngoài xử lý nợ xấu, TS Trần Du Lịch cũng đánh giá cao mô hình kết nối giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các địa phương đã thực hiện để tăng trưởng tín dụng.
Chương trình kết nối 4 nhà với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Theo đó, 4 nhà cùng ngồi lại để giải quyết cho vay từng trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhằm cứu doanh nghiệp chết và ngân hàng cũng ảnh hưởng theo.
"Lúc đầu nhiều người cho rằng cách làm như vậy không giống ai. Với chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước không thể ngồi bàn việc cho vay từng doanh nghiệp được. Nhưng tôi cho rằng đây là cách làm của riêng Việt Nam. Không đánh chính quy được thì phải đánh du kích", TS Trần Du Lịch ví von.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đã đến lúc nhà điều hành cần chấm dứt lối đánh "du kích" để điều hành nền kinh tế theo lối chính quy, đúng chức năng.
Ông hy vọng năm 2016, nhà điều hành sẽ không phải "đánh du kích" và đưa quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở lại bình thường khi gói gém nợ xấu trong VAMC.