Đó là kết quả nghiên cứu do Bộ KH&CN phối hợp với các ngành liên quan công bố chiều 12/11.
Nhiều nguyên nhân gây cháy
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, rất nhiều trường hợp cháy xe do hệ thống điện phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa từ những nguy cơ như: Dây dẫn bị hở, đứt do tiếp xúc với vật nóng, chuột cắn, quá tải trong hệ thống như cháy đèn, kẹt bơm xăng, lắp thêm hệ thống bảo vệ, thay thế đèn nguyên bản bằng đèn có công suất lớn hơn.
Một trong những nguyên nhân cháy xe là do chất lượng xăng, dầu không đảm bảo. Ảnh: Anh Dũng
Ông Nguyễn Văn Phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm: "Trong một số trường hợp cháy xe thời gian qua, tình trạng chập điện do lắp thêm thiết bị không theo thiết kế nhà sản xuất như đèn pha công suất lớn, dàn âm thanh… hoặc do bảo dưỡng, sửa chữa không đúng kỹ thuật hoặc sử dụng phụ tùng không đảm bảo là khá nhiều".
Khảo sát tại 52 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, xe máy trong cả nước cũng cho thấy, nhiều trường hợp cháy xe phần lớn là do chập điện (chiếm 41,72% ôtô và 35,28% xe máy được khảo sát), bị rò rỉ xăng dầu (chiếm 6,78% ôtô và 14,29% xe máy) và có chất dễ cháy vướng vào nơi phát nhiệt của xe (chiếm 20,34% ôtô và 9,52% xe máy).
Tuy nhiên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng được các nhà nghiên cứu chỉ ra, đó là do nhiên liệu. Bà Vũ Thị Thu Hà, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Lọc, Hóa dầu, Bộ Công Thương khẳng định, nếu nhiên liệu chính ngạch có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam không thể là nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy. Bà Hà chỉ ra, nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON đối với xăng (xăng A83, naphtha condensat được pha chế để gian lận thành A92, A95) làm nhiên liệu biến chất. Từ đó, làm trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer, tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi như: Các màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun; các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, sensor oxy; hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn khẳng định, việc sử dụng dung dịch hoặc viên tiết kiệm nhiên liệu tùy tiện có thể làm tăng hàm lượng Fe, Mn trong nhiên liệu, tạo ra hợp chất FeS như phân tích ở trên sẽ làm tăng nguy cơ cháy.
Tăng cường kiểm soát nhiên liệu
Trước những nguy cơ gây cháy nổ, ông Trịnh Ngọc Giao kiến nghị, cần hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến phòng, chống cháy nổ đối với các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nên xóa bỏ xăng A83 và xem xét đầu tư chế biến condensat bằng con đường hóa học để hình thành các thành phần có RON cao, tránh tình trạng sử dụng naphtha condensat như là thành phần trực tiếp để pha xăng.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị, tăng cường kiểm soát chất lượng nhiên liệu trong việc sử dụng phụ gia tăng RON để pha chế xăng nhiên liệu và quá trình chế biến dầu nhờn thải, dầu biến thế thải, cặn dầu thành phân đoạn DO để pha chế thành nhiên liệu dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phẩm.
Đối với người sử dụng phương tiện, ông Giao khuyến cáo, chỉ nên mua nhiên liệu từ các trạm nhiên liệu có uy tín về chất lượng và không tự ý sử dụng dung dịch hoặc viên tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường…