Nhiếp ảnh gia Pháp đam mê chùa Việt

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 30 năm gắn bó với Việt Nam, dạo bước đến từng di sản, với nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet, đền, chùa không chỉ là nơi để thờ mà còn là câu chuyện về lịch sử, văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân trên mảnh đất hình chữ S.

Chụp ảnh hơn 100 ngôi chùa
Năm 1987, Nicolas Cornet lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam để giúp đỡ một người bạn thực hiện ấn phẩm ảnh màu. Kể từ đó, sự khác biệt về cảnh quan và con người của Việt Nam so với Pháp đã để lại nhiều ấn tượng với “Nic” - tên thân mật của Nicolas Cornet. Hàng năm, ông dành nhiều thời gian ở Việt Nam để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trong những chuyến đi của mình, Nicolas Cornet thường tìm đến những địa điểm tâm linh để quan sát những nghi lễ tôn giáo. Trải qua hành trình đến hơn 100 ngôi chùa ở Việt Nam, khi chia sẻ về cảm nhận của mình Nicolas nói: Tôi gặp và nói chuyện với nhiều nhà sư, được họ đưa đi thăm nhiều nơi. Tôi tiếp cận các nhà sư khá nhẹ nhàng và chậm rãi. Tôi không chụp hình ngay lập tức mà chờ đợi và quan sát để tránh làm họ bị phân tâm. Tôi để cho nhân vật của mình tiếp tục với công việc của họ; cho họ thấy sự tồn tại của mình nhưng không quá chú ý, để cảm thấy bị mất riêng tư. Tôi có thể ngồi suốt 4 hoặc 5 tiếng liền chỉ để cảm nhận không khí ở nơi đó. Đó chính là cách "Nic" len lỏi vào cuộc sống thường nhật của những người dân Việt Nam nơi chùa chiền.
Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet với một nhà sư tại Trà Vinh. Ảnh: Lại Tấn
Nicolas đã giới thiệu tới công chúng hình ảnh đền, chùa dưới góc nhìn của mình qua buổi triển lãm “Chùa Việt Nam” và ra mắt cuốn sách ảnh “Vietnam Pagodas” dày 250 trang với 31 ngôi đền, chùa. Con người và cảnh vật Việt Nam trong những bức ảnh của Nicolas Cornet đều mang nét dịu dàng, thâm trầm. Ông chia sẻ: “Công việc của tôi là ghi nhận thực tế đang hiện hữu như nó vốn có, theo ý tưởng và cảm xúc của tôi. Tôi không thích sự sắp đặt. Những bức ảnh tôi chụp vừa là do tình cờ, vừa nhờ vào sự kiên nhẫn chờ đợi để có bố cục đẹp đúng ý mình”.

Cuốn sách ảnh là quy tụ các kiến trúc đền, chùa cổ. Trong đó, chú trọng vào các chi tiết mỹ thuật của di sản mà đôi khi chưa được nhiều người Việt biết đến. Qua đây, người xem có thể thấy, Nicolas đã diễn tả cuộc sống đời thường nơi cửa Phật vô cùng đặc sắc và tinh tế. Cuốn sách gồm năm chương. Mỗi chương, ông đều dành ra một trang để miêu tả về vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo hình tượng Phật.

Tình yêu với Việt Nam

Gặp gỡ Nicolas Cornet tại một quán ăn vỉa hè trên đường Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), ông cho biết: "Từ khi bắt đầu hành trình ghi nhận hình ảnh về đền, chùa ở Việt Nam tôi bắt đầu ăn chay". “Nic” thích các món ăn chay đến mức xin được vào bếp chùa để quan sát các vị sư thầy chế biến thức ăn. Dần dà, ông học được cách làm cá kho tộ chay, đậu hũ chay và có thể nấu các món chay. “Quê vợ tôi ở miền Trung Việt Nam. Tôi cũng từng đưa các con về đây để chúng nhớ về tổ tiên. Chúng tôi cùng nhau sửa lại bàn thờ gia tộc. Tôi chưa bao giờ phải ép các con học, bởi chúng tự hiểu rằng sự học không phải là để tìm được việc làm, mà để có một cái nhìn tri thức về thế giới” – Nicolas Cornet chia sẻ.

Sau thời gian thực hiện dự án sách ảnh về chùa Việt Nam, “Nic” cho biết ông sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và sau đó có dự định sẽ cho ra mắt cuốn sách về ẩm thực Việt Nam. “Nó không đơn thuần chỉ giới thiệu món ăn thường ngày mà là sự cảm nhận của cá nhân tôi về những món đặc sản vùng miền. Đồng thời, trong cuốn sách, tôi sẽ chia sẻ về những mối quan hệ giữa xã hội, văn hóa, con người với món ăn, hay cách thức chuẩn bị và chế biến ra một món ăn công phu, tỉ mỉ ra sao” – Nicolas Cornet cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần