Chặn nguy cơ thương mại hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, mang thai hộ là thành tựu của y học, là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước làm mẹ của rất nhiều phụ nữ trở thành hiện thực. Bản chất mang thai hộ là nhân văn. Còn về mặt sinh học, đứa bé sẽ mang gene di truyền của người phụ nữ có trứng chứ không phải của người mang thai hộ. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép người mang thai hộ, nhưng chỉ giới hạn trong gia đình, người thân. Theo lý giải của Bộ Y tế, việc cho phép người nhà mang thai hộ vừa hợp tình vừa hợp lý, bởi những người thân có tình cảm gắn bó dễ cảm thông, chia sẻ với nhau. Khi đó, việc mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo chứ không có tính chất thương mại.
Đề cập đến rào cản của việc mang thai hộ, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, dù luật pháp cho phép nhưng chắc chắn vấn đề này khó tránh những rào cản về tâm lý cũng như quan niệm xã hội.
Là người đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện buồn của những gia đình hiếm muộn, giám đốc một bệnh viện tại Hà Nội khẳng định: Nếu chỉ khu trú ở người thân mới được mang thai hộ, nhất là trong huyết thống thì điều đó hết sức hạn chế, và như vậy vẫn không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vì vậy, luôn trăn trở, mong muốn luật pháp nới quy định để nhiều gia đình có được hạnh phúc và tiếng cười trẻ thơ. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh được kiện tụng, thiết nghĩ về mặt pháp lý cần có đủ các văn bản quy định, làm sao để việc mang thai hộ được thực hiện rộng rãi mà không vi phạm pháp luật, cũng không trở thành thương mại hóa. Điều này phụ thuộc vào những người làm luật.
Nỗi niềm người trong cuộc
Trước thông tin đề xuất của Bộ Y tế, nhiều chị em tỏ ra thất vọng vì không dễ gì nhờ được người mang thai hộ. Chị Nguyễn Thùy Mai (phố Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị hiếm muộn, cưới nhau 5 năm nhưng chưa có con. Năm ngoái, khi Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi được đưa ra bàn thảo, chị khấp khởi hy vọng, việc mang thai hộ sẽ được luật pháp cho phép. Nhưng nay, Bộ Y tế lại đề xuất chỉ cho phép người thân mới được mang thai hộ thì chị coi như hết cơ hội. "Bên nhà chồng tôi chỉ có hai anh em, anh trai và chị dâu tôi sống ở nước ngoài, còn bên nhà tôi thì em gái chưa lấy chồng, trong khi đó, bố mẹ hai bên đều cao tuổi. Vì vậy, người thân trong gia đình không thể giúp tôi việc mang thai hộ. Nếu luật pháp không nới rộng quy định này, tôi e rằng, những gia đình hiếm muộn sẽ lách luật mà liều "làm chui" bên ngoài" - chị Mai bộc bạch.
Còn chị Trần Thúy An (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng rất muốn mang thai hộ cho em gái. Nhưng nay chị đã hai đứa con, nếu mang thai đứa thứ ba lại vi phạm chính sách dân số. Cũng vất vả đường con cái, vợ chồng chị Phan Bích Hà (Hà Đông, Hà Nội) nhiều năm nay luôn mong mỏi có được một đứa con. Dù đã bơm tinh trùng và mang thai 3 lần, nhưng cả 3 lần, chị đều bị thai lưu do nội tiết kém. Bởi vậy, chị đã tìm kiếm khắp nơi mong nhờ được một người giúp mang nặng đẻ đau phôi thai của mình và chồng. Nhưng với quy định chỉ người thân mới được mang thai hộ thì xem ra vợ chồng chị chỉ còn cách ra nước ngoài mới thực hiện được. Nhưng khổ nỗi, gia đình chị cũng như cả hai bên nội ngoại đều nghèo, không đủ kinh tế để chị làm như thế.
Vì vậy, nếu luật pháp chỉ cho phép người thân trong gia đình được mang thai hộ thì chắc rằng dịch vụ đẻ thuê vẫn sẽ đắt hàng. Mong muốn chấm dứt "thương mại hóa" trong vấn đề này sẽ không thành hiện thực, mà ngược lại, người dân vẫn cứ lách luật, và những "thương vụ" mang thai hộ sẽ ngày càng phổ biến hơn.