Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều  báo động về đời sống của công nhân khu công nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay” là chủ đề được đưa ra tại Hội thảo hôm nay (24/5) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện tổ chức công đoàn và DN.

Hạn chế trong điều kiện sống lẫn nhận thức về hôn nhân

Theo Khảo sát từ Tổng LĐLĐ, 212 KCN đang hoạt động trên cả nước đang thu hút hơn 2,4 triệu công nhân, trong đó 60-70% là lao động nữ và phần lớn là lao động di cư đến từ nhiều địa phương khác nhau.

 Sự phát triển của các KCN tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút lao động với quy mô lớn và đa dạng, góp phần hình thành và phát triển các gia đình công nhân trong KCN. Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” tại các KCN đang đối mặt nhiều thách thức.
“Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay”
Hội thảo "Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay”
Bà Bùi Phương Chi-Trưởng Phòng Công tác giới, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ nhận định: Đa phần công nhân có tuổi đời trẻ, là người lao động (NLĐ) nhập cư mới tốt nghiệp THPT, thoát ly từ nông thôn ra thành thị. Trong khi, hầu hết KCN chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ, cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa xã hội phục vụ NLĐ, đời sống tinh thần của họ khá nghèo nàn, có tình trạng mất cân bằng giới tính tại KCN. 

Hơn nữa, thu nhập chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hàng ngày của NLĐ. Điều này dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời, lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình. 

Đặc biệt, con số đáng lưu tâm là tỷ lệ công nhân phải thuê nhà trọ hoặc ở nhờ nhà người thân chiếm tới 70,8%, chỉ 2,8% được ở nhà của DN và 28,8% ở nhà riêng. Do lương thấp nên 88,8% công nhân phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. 

“Hiện chúng tôi thích làm tăng ca không phải để tích lũy mà để đủ sống, bởi tăng ca đồng nghĩa có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ…”-đó là chia sẻ của không ít công nhân trẻ tại các KCN, KCX ở Hà Nội. 

Theo Phó Chủ tịch công đoàn KCN-KCX Hà Nội Trần Thu Phương, việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội liên quan đến đời sống hàng ngày của NLĐ như nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, trường học, bệnh viện, đăng ký hộ khẩu… tại Hà Nội còn nhiều hạn chế. Thu nhập mỗi công nhân thường chỉ trên 4 triệu đồng/tháng; thuê nhà tạm bợ nhất cũng mất 500.000 đồng/tháng, thông thường 1.200.000 đồng/tháng, trong khi tiền điện, nước tại các nhà trọ cho lao động ngoại tỉnh đều có giá cao hơn lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, đang có nhiều vấn đề đáng báo động trong vấn đề hôn nhân của CNLĐ tại KCN. Vì họ yêu người khác tỉnh nên khó khăn hơn trong kết hôn, hạn chế về nhận thức dẫn đến nhiều trường hợp quan hệ tình dục tiền hôn nhân; mất cân bằng giới tính cũng khiến công nhân nữ khó tìm người yêu, nhiều tuổi vẫn còn độc thân. 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Công đoàn KCN&CX Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương còn phản ánh một tình trạng rất đáng lo ngại: Với 9 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thu hút gần 200.000 CNLĐ, trong đó công nhân nữ chiếm 68%, một vấn đề nổi cộm là công nhân rất thiếu thông tin, kiến thức cần thiết trang bị cho bản thân về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điều này dẫn đến ngày càng tăng việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và để có thai ngoài ý muốn, dẫn đến có những chuyện “sinh con xong rồi vứt con ra ngoài cửa sổ, vứt vào nhà vệ sinh, khu để rác của nhà trọ”(!) Tình trạng nạo phá thai, sinh và nuôi con một mình cũng ngày càng tăng.

Tổ chức công đoàn không thể “đơn phương độc mã”

Từ thực trạng nhiều khó khăn, nhiều vấn đề đáng báo động đang diễn ra trong đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân KCN, bà Trần Thu Phương nhấn mạnh: CNLĐ từ các tỉnh, thành khác về địa phương làm việc cũng đóng góp rất nhiều như đối với các công nhân tại chính địa phương đó, nên việc phải chịu giá điện, nước cao hơn là rất vô lý. An cư lạc nghiệp với giúp họ gắn bó với DN, với địa phương. 

Rất cần phát huy được chức năng của công đoàn trong tham gia quản lý nhà nước, đối thoại với cơ quan chính quyền để có chính sách nhà ở, giá cả sinh hoạt hợp lý hơn cho công nhân KCN… Với số CNLĐ rất lớn, tại hơn 200 công đoàn cơ sở, việc lãnh đạo Công đoàn KCN&CX Hà Nội tiếp cận để hỗ trợ thường xuyên đối với NLĐ là rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hương thì kiến nghị, Công đoàn các KCN phải thường xuyên đến công đoàn cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ về chính sách pháp luật, những quy định riêng đối với lao động nữ, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản. 

Về phía DN, đại diện Ban Nữ công Tổng LĐLĐ cho rằng, DN cần xây dựng thỏa ước lao động tập thể theo hướng quan tâm nhiều hơn tới đời sống vật chất tinh thần, hôn nhân gia đình cho CNLĐ để họ thực sự yên tâm, gắn bó với DN. Đặc biệt, cần dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho CNLĐ cũng như bố trí những căn hộ nhỏ khép kín cho gia đình công nhân thuê…