Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bất cập trong quy định về tài sản và quyền sở hữu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Hội thảo Góp ý các quy định về chủ thể, chế định tài sản và quyền sở hữu (QSH) trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

Ngày 17/3, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức Hội thảo Góp ý các quy định về chủ thể, chế định tài sản và quyền sở hữu (QSH) trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong các quy định về chủ thể, chế định tài sản và QSH trong BLDS năm 2005 và các hướng bổ sung cho Dự thảo.

Cần quy định rõ về khái niệm tài sản

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, BLDS năm 2005 đã thực hiện tốt vai trò. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, một số quy định về tài sản, sở hữu đã không còn phù hợp. Vì vậy, trong Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định này.

 
Quang cảnh tại hội thảo.
Quang cảnh tại hội thảo.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm CLB Pháp chế DN cho rằng, thực tiễn thi hành cho thấy, chế định tài sản và QSH được quy định tại BLDS năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, chưa làm rõ được bản chất, phạm vi của khái niệm tài sản và mối quan hệ giữa các quyền tài sản đối với các tài sản. Cụ thể, BLDS năm 2005 kết cấu tài sản trong Phần tài sản và QSH như là đối tượng của QSH và quyền của các chủ thể không phải là chủ sở hữu tài sản (trong khi tài sản cũng có thể là đối tượng của quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng). Trong đó, tài sản được quy định bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản nhưng chưa có quy phạm định nghĩa về vật, tiền, giấy tờ có giá. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật đã có nhiều cách hiểu khác nhau về tài sản và vật.

Bên cạnh đó, BLDS năm 2005 đã thừa nhận tài sản hình thành trong tương lai có thể là đối tượng của giao dịch, tuy nhiên lại không đưa ra căn cứ cụ thể để xác định một tài sản là tài sản hình thành trong tương lai dẫn tới trong thực tiễn áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau; không thống nhất trong áp dụng pháp luật; việc đưa tài sản hình thành trong tương lai vào giao dịch là rất khó khăn do các chủ thể lo ngại nhiều rủi ro. Trong các luật chuyên ngành, việc thừa nhận tài sản hình thành trong tương lai là đối tượng của giao dịch cũng rất hạn chế. “Sự không đồng bộ, thống nhất trong quy định về tài sản hình thành trong tương lai là đối tượng của giao dịch như vậy đã gây nên không ít khó khăn cho cá nhân, tổ chức khi xác lập, thực hiện giao dịch và thực hiện các thủ tục có liên quan” - ông Lãm cho biết.

Về quy định tài sản, PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng - Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I, đồng tình rằng, tài sản của pháp nhân bao gồm những tài sản gì hiện tại không rõ ràng. Đối với tài sản vay, vẫn còn quan điểm cho rằng không phải của pháp nhân. Tuy nhiên, tài sản hình thành từ nguồn vốn vay có thể lớn hơn nhiều tài sản từ nguồn vốn tự có. Như vậy, nên quy định tài sản độc lập của pháp nhân bao gồm vốn chủ sở hữu, tài sản pháp nhân tích lũy được từ hoạt động, tài sản được tặng, cho, thừa kế và tài sản vay.

Vẫn “vướng” QSH liên quan đến bất động sản

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra, trong các quy định về QSH, đặc biệt là có liên quan đến tài sản là bất động sản còn nhiều bất cập và chưa thống nhất với các luật khác. 
Các đại biểu đã thảo luận địa vị pháp lý, tài sản chung, trách nhiệm dân sự và xem xét tính hợp lý của quy định về các chủ thể này. Hội thảo cũng nhấn mạnh những ví dụ thực tiễn và những thách thức gặp phải khi áp dụng các quy định về Chế định tài sản và QSH trong BLDS năm 2005 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Ông Lãm phân tích, hiện nay, QSH đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng. Tuy nhiên, đối với quyền sử dụng đất thì thời điểm chuyển QSH lại được xác định kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất. Như vậy, cùng là một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Bên cạnh đó, một số quy định về bất động sản liền kề trong BLDS năm 2015 chưa thực sự phù hợp với thực tiễn và không được hướng dẫn kịp thời, tạo ra nhiều vướng mắc trong khi áp dụng. “Ví dụ, Điều 271 quy định: Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng hiện nay lại bỏ trống vấn đề này” - ông Lãm phát biểu.

Trong khi đó, BLDS năm 2015 cũng chưa quy định cụ thể việc đền bù, phương thức thỏa thuận, biện pháp xử lý, giải quyết trong trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề không cho phép chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tạo lối đi, cấp thoát nước… trên đất của họ. Vì vậy, trên thực tế, chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng bất động sản liền kề để đảm bảo lối đi, cấp, thoát nước…

Theo ông Lãm, trong nền kinh tế thị trường, trên một tài sản có rất nhiều chủ thể với nhiều cấp độ và mức độ chiếm hữu mà pháp luật phải xác định rõ. BLDS là đạo luật gốc của hệ thống luật tư phải giải quyết vấn đề này làm cơ sở cho các quy định trong các luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ tài sản trong quá trình dịch chuyển.

Ông Hải cho biết, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế sẽ xem xét các ý kiến, nghiên cứu tiếp thu để đệ trình lên Ban soạn thảo BLDS sửa đổi để trình lên Quốc hội phê duyệt vào tháng 10 năm nay.