Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bất ổn, lắm nguy cơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuần qua, cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế vì những tác động sâu rộng của nó tới tiến trình hồi phục của kinh tế toàn cầu.

KTĐT - Tuần qua, cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế vì những tác động sâu rộng của nó tới tiến trình hồi phục của kinh tế toàn cầu.

 

Sau 18 ngày chịu sức ép từ các cuộc biểu tình quy mô lớn, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã quyết định từ chức và trao lại quyền lực cho quân đội. Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang hôm 12/2 cũng cam kết chuyển giao hòa bình quyền lực cho một Chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ đồng thời bảo đảm rằng Ai Cập sẽ tôn trọng các hiệp ước khu vực và quốc tế mà nước này đã ký.

 

Kết quả của hai cuộc đấu tranh được mệnh danh là "Cách mạng hoa nhài" tại Tunisia và Ai Cập đã thổi bùng nguy cơ bất ổn tại Algeria và Yemen khi ngày càng nhiều người biểu tình tụ tập để phản đối chính phủ. Tâm lý lo ngại khủng hoảng chính trị tại Ai Cập lan rộng sang các nước trong khu vực cùng nỗi lo Cairo sẽ đóng cửa kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Suez-Địa Trung Hải đã đẩy giá dầu tăng, từ đó đội chi phí sản xuất lên cao và cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng.

 

Bên cạnh nỗi lo về dầu mỏ tăng giá, ông Jacques Diouf - Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) còn cảnh báo thế giới "đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lớn nữa về lương thực". Theo FAO, giá lương thực toàn cầu đã tăng liên tục trong 7 tháng qua, đặc biệt chỉ số giá của 55 mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, ngũ cốc, đường,…

 

Quan hệ song phương căng thẳng giữa Thái Lan-Campuchia và sự đổ vỡ trong đàm phán quân sự liên Triều cũng làm nóng chính trường thế giới tuần qua. Bất chấp nỗ lực hòa giải quốc tế cũng như những tuyên bố mang tính xây dựng của Chính phủ hai nước, mâu thuẫn giữa Campuchia và Thái Lan về vấn đề biên giới gần đền Preah Vihear - Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 2008 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã khiến hàng chục người thương vong và buộc hàng chục nghìn dân thường sống gần biên giới phải đi sơ tán. Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ Campuchia, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiến hành cuộc họp đầu tiên về vấn đề tranh chấp biên giới Campuchia Thái Lan tại New York vào ngày 14/2.

 

Không giống như kỳ vọng của các bên liên qua, cuộc đàm phán quân sự giữa hai miền Triều Tiên đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Nguyên nhân chính gây đổ vỡ đàm phán chính là "những khác biệt về chương trình nghị sự của đàm phán cấp cao hơn".

 

Sau một thời gian ngắn lắng dịu, Liên minh châu Âu (EU) lại phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về kinh tế khi vừa phải chống "bão" nợ công vừa phải đối phó với lạm phát. Theo Văn phòng Thống kê của EU (Eurostat), lạm phát tháng 1 tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức 2,4% so với 2,2% của tháng 12/2010. Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài với hy vọng đồng Euro giảm giá để kích thích xuất khẩu. Nhưng để kìm chế lạm phát, ECB sẽ phải tính đến khả năng tăng lãi suất, điều mà không một doanh nghiệp nào trong EU mong muốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.