Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều DN không có tiền để nộp nợ thuế, nộp tiền sử dụng đất đã được gia hạn đến hạn nộp phải tính tiền chậm.
Khó khăn, doanh nghiệp nợ thuế cao
Trong các năm 2011 - 2013, nhiều DN địa ốc đã bị cơ quan thuế TP Hà Nội “điểm mặt, chỉ tên” vì chây ỳ thuế tiền sử dụng đất, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Lý giải về việc chây ỳ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, các DN đã đưa ra nhiều lý do khách quan và chủ quan, như do ảnh hưởng tình hình kinh tế chung, do sự ngưng trệ của thị trường bất động sản (BĐS) và sức mua trong dân giảm sút làm giảm giao dịch chuyển nhượng, nhiều dự án đầu tư dở dang do DN cạn vốn…
Trước khó khăn của DN BĐS, Chính phủ cũng đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ DN và cho phép một số chủ đầu tư BĐS được giãn, hoãn nộp tiền sử dụng đất. Triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, Cục Thuế Hà Nội đã tích cực thực hiện ưu đãi, tham mưu, báo cáo UBND TP chỉ đạo chung, chủ động xây dựng cùng liên ngành TP phê duyệt hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất.
Có thể khẳng định, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, chủ trương tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã được triển khai đúng quy định, kịp thời, hiệu quả tại Hà Nội, góp phần giúp các DN vượt khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, tuy vẫn còn nhiều DN địa ốc tiếp tục nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Phân loại, xác định chính xác số nợ
Trao đổi với phóng viên, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tiền thuế nợ là các khoản tiền thuế, phí, lệ phí, phạt chậm nộp và các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật về thuế mà người nộp thuế đã kê khai, cơ quan thuế đã tính; các cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan thuế xác định đây là nghĩa vụ của người nộp thuế và đã thông báo cho người nộp thuế nhưng đã hết thời hạn quy định mà chưa nộp vào ngân sách.
“Cục Thuế đã tập trung phân loại tiền sử dụng đất phát sinh, đối tượng nào thuộc nợ lâu quá hạn, số nợ lớn hoặc đã được hưởng các chính sách giảm, gia hạn nhưng không chấp hành nộp theo quy định…, qua đó xác định chính xác số nợ theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP để chỉ đạo thu. Tích cực rà soát, phân tích nợ của từng dự án, từng DN để có biện pháp đôn đốc thu phù hợp, áp dụng phương án gia hạn phân kỳ nộp theo từng quý đơn giản, rõ ràng, để các chủ đầu tư dễ dàng nắm bắt, chủ động sắp xếp nguồn tiền nộp ngân sách; làm việc trực tiếp với DN để đôn đốc nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đặc biệt với các trường hợp cố tình chây ỳ, nợ thuế kéo dài, cưỡng chế theo quy định pháp luật, như yêu cầu ngân hàng trích tiền tài khoản của DN, thực hiện biện pháp thông báo ngừng sử dụng hóa đơn…” - ông Tiến chia sẻ.
Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước nói chung, giảm số nợ tiền sử dụng đất, thuê đất nói riêng, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đôn đốc thực hiện công tác này trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các chỉ đạo cụ thể về đôn đốc nợ thuế đất luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên được lãnh đạo Cục Thuế đưa vào nhiệm vụ trọng tâm hàng tháng. Qua đôn đốc, số tiền nợ thuế đất đã giảm đáng kể. Năm 2014, Cục Thuế đã thu nợ được 8.355 tỷ đồng, trong đó, thu nợ liên quan đến đất đạt 2.440 tỷ đồng.
Theo nhận định của Cục Thuế Hà Nội, năm 2015, nền kinh tế còn nhiều biến động sẽ kéo theo số nợ thuế gia tăng. Cục Thuế sẽ tiếp tục cải cách hành chính, trong đó, ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho DN bằng việc tích cực triển khai các chính sách ưu đãi, sẽ thực hiện đôn đốc thu đủ, thu kịp thời, nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý thuế. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, thực hiện các biện pháp quản lý, chỉ đạo thu tiền sử dụng đất, thuê đất trên địa bàn TP theo đúng quy định, góp phần đưa tỷ lệ nợ thuế giảm xuống còn 5% trên tổng thu ngân sách đến cuối năm 2015.
Làm thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Đến ngày 15/1, sau quá trình thẩm định hồ sơ, UBND TP đã ban hành Quyết định gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với 57 dự án với số tiền 13.572 tỷ đồng (trong đó, gia hạn theo Nghị quyết 02/NQ-CP đối với 46 dự án với số tiền 12.112 tỷ đồng; gia hạn theo Nghị quyết 01/NQ-CP đối với 11 dự án với số tiền 1.460 tỷ đồng).
(Nguồn: Cục Thuế Hà Nội)
|