Để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm, một số doanh nghiệp đã tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối nhằm có giá bán hợp lý tới tay người tiêu dùng.
Xu hướng mới
Nhận định về thị trường từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nguồn cung hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa thiết yếu) khá dồi dào và giá các mặt hàng nhiên liệu quan trọng như xăng dầu, gas… tương đối ổn định nên mặt bằng giá nhìn chung chỉ biến động nhẹ, tuy nhiên sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Thực hiện công tác bình ổn giá, đến nay đã có 11/63 tỉnh, TP triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, với tổng trị giá khoảng 850 tỷ đồng. Một điểm mới trong việc thực hiện bình ổn giá năm nay là các địa phương có xu hướng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nhưng không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách, mà chỉ được hỗ trợ kết nối với ngân hàng thương mại để vay vốn ưu đãi.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đây cũng là năm đầu tiên Nhà nước không hỗ trợ bằng tiền như trước, mà ban hành các chính sách để nhà sản xuất, nhà phân phối và ngân hàng có thể liên kết với nhau, tạo chuỗi phân phối liên hoàn nhằm bình ổn thị trường. Hiện nay, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đã tiến hành xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, phân phối với ngân hàng để được vay vốn với lãi suất ưu đãi mà không nhận vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng từ phía các ngân hàng thương mại. Số liệu thống kê ban đầu cho thấy, đến nay đã có hàng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng cam kết cho vay để thực hiện chương trình này. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã bàn bạc với nhau về giá cả, chia sẻ lợi ích. Nhờ đó, mô hình liên kết giữa nhà sản xuất - doanh nghiệp phân phối - người tiêu dùng đã được hình thành, phát triển, tạo lập được chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững.
Thực tế cho thấy, cách làm mới này bước đầu đã huy động nguồn lực của xã hội và kích thích sản xuất.
Doanh nghiệp Hà Nội chủ động nguồn hàng
Để chủ động trong việc cung cấp hàng hóa, tránh việc tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và giáp Tết, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm. Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP, sẽ tập trung dự trữ và bán ra 7 nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết: Gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà; trứng gia cầm; thủy, hải sản đông lạnh; rau củ… với tổng tiền hàng 318 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu, bằng nguồn vốn tự có của mình, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được TP cho tạm ứng vốn, triển khai bán tại các điểm bình ổn giá.
Thực hiện chủ trương này, đến nay nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tham gia bình ổn giá trên địa bàn, theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị... dự trữ bán ra các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng 2.500 tỷ đồng; các công ty chế biến thực phẩm của TP dự trữ đưa ra thị trường khoảng trên 1.000 tấn thịt sạch; hàng ngàn tấn bánh kẹo cũng được doanh nghiệp chủ động sản xuất đưa ra thị trường…
Với nhiều thay đổi trong cách thực hiện, không chỉ dần khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, chương trình bình ổn giá còn dần trở nên thiết thực hơn với nhiều người dân, doanh nghiệp.