Đón trúng nhu cầu thị trường, biết tìm đến với thị trường và biết điểm dừng… là bí quyết vượt khó khăn của những DN này.
Thị trường điện máy năm qua có phần trầm lắng nhưng nhiều mặt hàng của Kangaroo vẫn bán chạy đặc biệt là hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp. Khủng hoảng là điều không ai mong muốn, nhưng những người điều hành Tập đoàn Kangaroo đã đúng khi cho rằng, đó cũng chính là cơ hội để các DN có thực lực vượt lên. Điều cốt lõi DN phải bắt nhịp được với thị trường, đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng mua sắm của người tiêu dùng. Vì thế, Kangaroo luôn phải nghiên cứu kỹ, đưa ra sản phẩm đúng và trúng nhu cầu người tiêu dùng. Đơn cử, trước thực tế nguồn tiền dành cho tiêu dùng không lớn như mọi năm nên phân khúc hàng thiết yếu, bình dân được Kangaroo chú trọng hơn, nhưng DN vẫn tung ra sản phẩm đắt tiền hơn như bếp từ hồng ngoại, hút mùi cảm biến khí gas... để giữ khách hàng cao cấp.
Công ty Vissan lại có cách làm riêng để tăng lợi nhuận từ việc thay đổi tư duy kinh doanh. Từ chỗ chỉ lo sản xuất, Vissan đã tập trung đẩy mạnh hệ thống phân phối để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thay vì phải qua nhiều khâu trung gian. Điều này không chỉ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ mà còn giảm đáng kể chi phí bảo quản, lưu kho của DN.
Trong khi đó, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) đang hướng tới mức doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng trong năm 2012. Bí quyết được một lãnh đạo của Vinamilk chia sẻ đó là luôn phân tích chính mình và không nhất thiết phải theo xu hướng đám đông. Bằng chứng là cách đây vài năm, không ít người cho rằng với tiềm lực và thế mạnh sẵn có, Vinamilk nên mở rộng sang ngành thực phẩm. Song sau 2 năm phát triển một số mặt hàng, Vinamilk thấy không hiệu hiệu quả nên đã bán những nhãn hàng đó, tập trung chuyên sâu cho ngành sữa - trái ngược với việc mở rộng đa ngành nghề mà nhiều công ty thường làm.