Ngoài những hội chợ sách, các buổi ra mắt sách, việc tận dụng hiệu ứng của các trang mạng xã hội, các website... cũng là "chiêu" hiệu quả để thu hút sự quan tâm của độc giả.
Hội chợ sách “tiếp sức” cho độc giả
Chưa bao giờ các nhà làm sách lại quan tâm đến việc kích cầu mua sách như hiện nay. Minh chứng là có tới 3 hội chợ sách diễn ra trong tháng 10 này. Đó là "Hội sách Mùa thu 2013" diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (từ 10 - 14/10) giới thiệu khoảng 4.000 tít sách với hơn 8.000 bản sách, thuộc tất cả các thể loại, trong đó có phân khu riêng biệt cho từng đối tượng: Phụ nữ, thiếu nhi, tuổi teen, sinh viên… Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội sách còn có các hoạt động giao lưu với các tác giả nổi tiếng và dịch giả uy tín tại Việt Nam; giới thiệu sách nhằm phổ biến tri thức; giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên; bồi dưỡng các giá trị nhân văn; ý thức vì cộng đồng; khuyến khích đọc sách hấp dẫn dành cho thiếu nhi; quyên góp tặng sách cho "Tủ sách Phụ nữ" cơ sở và thư viện cộng đồng… Điều này còn giúp cho những người tham gia hội sách nâng cao trách nhiệm xã hội của mình.
Hội sách Mùa thu 2013 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. Ảnh: Trần Ngọc
|
"Phiên chợ sách" diễn ra tại Thư viện Đông Tây (ngày 13/10) lại "hút" độc giả bằng việc giảm giá sách tới mức "siêu khủng": Giảm giá 50 - 60% nhiều đầu sách và mở gian hàng sách 5.000 - 10.000 đồng/cuốn. Giá rẻ như vậy nên người dân và các bạn trẻ đã mua rất nhiều sách để đọc và làm quà cho người thân, bạn bè. Tại đây, Nhà sách Đông Tây đã bán đấu giá một số cuốn sách quý để lấy tiền ủng hộ những số phận không may mắn. Và mới đây nhất (từ 17 - 20/10) là chương trình "Ngày hội đọc sách miễn phí sách và hoa" tại Trung tâm thương mại Savico Megamall. Ngoài hoạt động trưng bày và giới thiệu sách, khu đọc sách miễn phí, giảm giá để "dụ" bạn đọc đến với sách, ngày hội còn tổ chức cho người tham gia giao lưu với TS Nguyễn Mạnh Hùng và Ths Phan Hồ Điệp về chủ đề nuôi dạy con. Vậy là, không chỉ "kích cầu" cho sách, các hội chợ sách còn góp phần không nhỏ trong việc tăng cường kiến thức cho bạn đọc, kích thích văn hóa đọc, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội cho những người tham gia.
Tận dụng lợi thế
Khảo sát tại "phố sách" Đinh Lễ, đa phần người mua sách đều cho biết: Chọn sách vì nghe nói sách hay. Việc "nghe nói" này có thể là qua báo chí, qua bạn bè, thậm chí thể hiện qua số lượng người mua. Ở ta vẫn có thói quen đọc theo phong trào, tác phẩm được chọn mua thường là sách đang nổi tiếng hay ít nhất tên tác giả phải rất quen thuộc. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều đơn vị làm sách đã tận dụng hiệu ứng của truyền thông, các trang xã hội, các website... Như trường hợp cuốn "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" của Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn; "Ngược chiều vun vút" gắn với tên tuổi của cây bút Joe Ruelle nổi tiếng trên mạng xã hội; "Hiểu về trái tim" của Minh Niệm gắn với một tổ chức từ thiện xã hội cùng tên... bán rất chạy. Sự "vào cuộc" của báo chí khiến "chuyện bếp núc" xung quanh tác phẩm trở thành một yếu tố tiếp thị quan trọng. Trường hợp cuốn tiểu thuyết "Lolita" của Vladimir Nabokov (dịch giả Dương Tường, NXB Hội Nhà văn) từng được xếp vào top 10 tác phẩm gây tranh cãi nhất thế giới, top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại cũng là một ví dụ. Thậm chí, nhiều cuốn nổi tiếng nhờ những tình tiết gây tranh cãi cũng nhờ đó mà… "cháy" hàng.
Thực tế, có nhiều cách để người đọc tìm đến sách, và việc "PR" cho sách ở thời điểm này là cần thiết. Chỉ có điều, những người tâm huyết với văn hóa đọc, những người làm sách cần đa dạng hoá phương thức làm sách, không ngừng đổi mới cách "PR" để tăng khả năng cho sách tiếp cận độc giả.