Theo các đại biểu, việc nhiều chính sách được điều chỉnh trong năm 2014 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) giảm từ 25% xuống 22%, chính sách tài chính tiền tệ 2014 - 2015 tập trung cho việc duy trì lãi suất thấp từ 10 - 13%... sẽ giúp tình hình kinh tế năm tới khả quan hơn. Ông Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: Việc kinh tế vĩ mô được bình ổn, lạm phát được kiềm chế, niềm tin của DN dần được khôi phục, hoạt động thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài khả quan sẽ giúp DN trong nước tăng tính cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… cũng là yếu tố giúp "bức tranh" kinh tế 2014 sáng sủa hơn. Tuy nhiên, dù nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành và được dự báo sẽ mang lại hiệu ứng tích cực nhưng không phải chính sách nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn. Việc "ế" gói giải cứu bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng là minh chứng rõ nét. Ngoài ra, việc giải quyết hàng tồn kho đặc biệt là bất động sản, xử lý nợ xấu, mở rộng thị trường... là những vấn đề không thể giải quyết bằng các chính sách ngắn hạn. Bà Mai Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng: Trước mắt, Chính phủ cần ban hành các giải pháp hiệu quả để giải quyết hàng tồn kho bất động sản. Vì nó không chỉ giúp giải tỏa được khoảng 100.000 tỷ đồng đang tồn đọng mà còn tạo hiệu ứng kích thích tiêu thụ sản phẩm của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc trang thiết bị gia đình... Tuy nhiên, để các chính sách có thể phát huy tác dụng thì ngoài sự phối hợp giữa các bộ, ngành thì chính bản thân DN cũng phải tận dụng tốt các cơ hội trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.