Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chủ đầu tư chưa hợp tác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ trong việc rà...

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ trong việc rà soát tổng thể các dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn. Việc rà soát lần này nhằm cập nhật tình hình các dự án, tổng hợp thành bức tranh tổng thể về thị trường nhà ở trên địa bàn TP, thuận tiện cho việc quản lý.

Khó khăn trong việc rà soát

Tại buổi làm việc mới đây về kết quả rà soát tổng thể các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP, đại diện các quận, huyện, sở, ngành đều khẳng định, việc rà soát, thống kê thông tin, số liệu các dự án có ý nghĩa rất quan trọng, giúp TP số hóa dữ liệu để quản lý, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chưa hợp tác.

 
Khu đô thị Bắc QL 32 tại huyện Hoài Đức chưa triển khai xây dựng hạ tầng xã hội của dự án. Ảnh: Thái San
Khu đô thị Bắc QL 32 tại huyện Hoài Đức chưa triển khai xây dựng hạ tầng xã hội của dự án. Ảnh: Thái San
Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận có 17 khu đô thị và 34 dự án nhà ở, chưa thống kê thêm các dự án tái định cư, các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngay từ khi thành lập, quận đã yêu cầu các chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, nhưng đa số chưa thực hiện đầy đủ nên công tác kê khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các khu đô thị lớn như Linh Đàm, Đại Kim, Tứ Hiệp… "Các chủ đầu tư chủ yếu cần đến quận, phường trong khâu GPMB hoặc khi điều chỉnh quy hoạch dự án. Vì vậy, khi quận gửi công văn mời hợp tác để rà soát dự án, nhiều chủ đầu tư không hợp tác. Thậm chí, có dự án phát sinh hơn 10 chủ đầu tư thứ phát, khiến việc rà soát càng khó khăn, phải có chỉ đạo từ TP tới các chủ đầu tư, còn quận mời rất khó. Quận có thể cung cấp được diện tích, vị trí, chủ đầu tư dự án, còn việc thống kê diện tích sàn, số căn hộ, tiền sử dụng đất… của dự án, nếu không có sự hợp tác của chủ đầu tư, sẽ rất khó khăn. Trong bảng rà soát, TP yêu cầu kê khai 65 cột, phải phân rõ sở, ngành nào chịu trách nhiệm thống kê cột nào, quận, huyện phải thống kê cột nào, để tránh chồng chéo" - ông Hải đề xuất.

Quận Hà Đông cũng gặp khó khăn tương tự. Việc tổng hợp kê khai cần số lượng thông tin lớn, trong khi việc kiểm tra các số liệu dự án đối với chủ đầu tư không đơn giản. Ông Vũ Ngọc Phụng - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông chia sẻ, nhiều chủ đầu tư dự án thực hiện hạ tầng xã hội (sân chơi); hạ tầng kỹ thuật (điện, nước) chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ. Việc quản lý nhà chung cư xảy ra nhiều bất cập, đặc biệt trong việc quản lý phí bảo trì chung cư 2%. Để yêu cầu chủ đầu tư phối hợp, phải có chế tài, trong khi quận, huyện chưa có chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Xử lý chủ đầu tư chây ỳ

Đồng tình với việc cùng các sở, ban, ngành liên quan vào cuộc rà soát, phân loại từng dự án. Ông Nguyễn Quang Đức - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng: Nếu chủ đầu tư nào khó khăn, nhưng vẫn còn có khả năng, các đơn vị phải cùng tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp triển khai dự án. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành liên quan phối hợp khẩn trương hoàn thành việc rà soát. Về rà soát số liệu, đây là nội dung quan trọng đầu tiên đòi hỏi việc thực hiện phải quyết tâm, tỉ mỉ, có phương pháp. Về các nội dung khác trong thực hiện rà soát tổng thể, các sở, ngành, quận, huyện phải xác định rõ trách nhiệm của mình, chịu trách nhiệm về tiến độ và số liệu báo cáo, nếu vướng mắc, phải trao đổi lại với Sở Xây dựng. Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng lưu ý, do còn nhiều bất cập như cung cầu không phù hợp; Căn hộ có diện tích lớn dư thừa nhiều, trong khi thiếu căn hộ diện tích nhỏ, giá thành xây dựng lại cao. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại nhiều dự án chưa hoàn thành, thậm chí, nhiều dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa, gây bức xúc trong dư luận cần sớm có biện pháp giải quyết. Việc báo cáo số liệu dự án của các Sở Xây dựng, TN&MT, KH&ĐT, QH - KT vẫn còn vênh nhau. Vì vậy, để quản lý chặt thị trường BĐS, thị trường nhà ở, việc rà soát tổng thể các dự án là cần thiết.

"Đối với các dự án không triển khai, chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hoàn thiện dự án, TP sẽ có chế tài xử lý. Sau khi có số liệu, trong tháng 11, Sở Xây dựng và Sở TT&TT phối hợp, lập phần mềm, số hóa dữ liệu để quản lý" - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.