Môi trường kinh doanh chưa thông thoáng
Theo đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau), cả 3 khâu đột phá mà Chính phủ xác định trong tái cơ cấu nền kinh tế đều có vấn đề. Trong đó khâu đột phá về thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng đến 2014 tức là gần cuối nhiệm kỳ, qua đánh giá vẫn kết luận rằng việc hoàn thiện thể chế chưa đột phá. Việc hoàn thiện thể chế ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhiều năm qua, chúng ta tiến hành cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu.
9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 53.200 DN đăng ký thành lập mới nhưng có trên 48.000 DN giải thể, tức là thực sự chỉ tăng thêm khoảng 5.000 DN. Do đó, mục tiêu phát triển DN để làm tế bào của nền kinh tế chưa đạt. Vấn đề đặt ra là làm sao phải có môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tạo phấn khởi cho cộng đồng DN yên tâm đầu tư. Ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mang tính dẫn dắt, rất cần các nguồn vốn của xã hội. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường năng lực bộ máy công quyền, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều đại biểu cho rằng, bài toán huy động vốn của xã hội là vô cùng quan trọng. Hiện nay có thể thấy nó thiếu bàn tay dẫn dắt và định hướng chính sách của Nhà nước. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp (DN) Nhà nước cổ phần hóa mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, qua theo dõi cho thấy, các DN này khi đã cổ phần rồi gần như thoát li khỏi định hướng về chính sách, thiếu định hướng về chính sách chi trả cổ tức sau cổ phần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã chia sẻ: "Tôi rất băn khoăn vì hiện ta "trói" DN tư nhân quá, không tạo điều kiện và dư địa để họ tham gia vào mở dịch quy mô dịch vụ thị trường tài chính và thị trường vốn. Không cho phép DN tư nhân được mua cổ phần, được góp vốn, ta hiểu là họ phải đầu tư vào dịch vụ, vào sản xuất trực tiếp. Ta coi DN tư nhân là động lực cơ mà, nhưng chính sách vẫn "trói" đối tượng này".
Trong khi, các nước trong khu vực đều tăng trưởng mạnh như: Singapore tăng trưởng tới 4% (năm trước 1,3%), Lào 8,2%, Campuchia 7,1%... còn Việt Nam chỉ tăng trưởng gần 6% trong năm nay, gần như thấp nhất trong khu vực. Do vậy, các đại biểu cho rằng, trong kỳ họp này, các những thành viên của Quốc hội phải tập trung hiến kế để giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Một trong những yếu tố được khá nhiều đại biểu đề cấp tới để giúp nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ hiện nay, đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới thuế, hải quan, các thủ tục công… “Nhũng nhiễu như căn bệnh ký sinh trong cơ thể người, nó hút máu dần dần khiến cho nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh được. Có thể nói, việc nước này tăng trưởng cao hơn nước khác chính là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Để giải phóng các nguồn lực này thì thủ tục hành chính đóng vai trò then chốt” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định.
Thay đổi tư duy
Đại biểu Bùi Minh Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, phải giám sát chặt chẽ đầu tư công, đặc biệt chỉ xem xét triển khai những công trình, dự án bức thiết, có tác động trở lại ngay với nền kinh tế. Trong giai đoạn trước, đầu tư công của chúng ta dàn trải, hiệu quả không cao. Đơn cử như cửa sông bồi lấp từ 80 - 100m ra biển nhưng nếu cứ triển khai các dự án nạo vét sông để tăng hiệu quả giao thông thì quả thật người dân thấy rất băn khoăn. Hay từ khi có thủy điện Hòa Bình, chúng ta đã kiểm soát tốt hơn các vấn đề ở khu vực hạ du. Do đó, yêu cầu về đầu tư tu bổ đê điều hàng năm cũng cần phải được nghiên cứu một cách hiệu quả, đầu tư kiên cố ở mức vừa tầm vừa độ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải siết chặt lại kỷ cương ngân sách, đặc biệt là vấn đề ứng vốn trong năm 2015-2016. Có bộ đã ứng vốn đến 10 năm rồi, nếu để tình trạng ứng vốn kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng nợ đọng. Đặc biệt, cần phải đổi mới tư duy về vay vốn ODA. Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ vay ODA là vay viện trợ, nước ngoài cho nên chi tiêu không ngại. Mỗi đồng chí hết nhiệm kỳ của mình cứ làm, cứ mạnh tay, về rồi để lại hậu quả cho người khác và không ai khác chính con cháu chúng ta sẽ gánh nợ. Điều này cần phải giải quyết nhận thức của các cấp, ngành, nếu không áp lực nợ công là rất lớn và sẽ gia tăng từng ngày.
Đại biểu Bế Xuân Trường (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta thấy vẫn còn nhiều trăn trở, bức xúc. Đầu tư cho khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được xem là vấn đề quyết định độc lập, tự chủ được hay không. Đây cũng là vấn đề quyết định, là linh hồn của nền kinh tế đất nước. Về đường lối, Nhà nước đã đề ra định hướng đúng, quyết định rất sớm, nhưng khâu thực hiện không được là bao nhiêu. Hiện nay cả nước mới có 1 khu công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là các sản phẩm còn lại chất lượng thấp, chủ yếu là hàng gia công, giá trị xuất khẩu không cao, không có tính cạnh tranh.
Một vấn đề nữa là nước ta có lợi thế, tiềm năng lớn về các sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị cao vẫn còn hạn chế. Đơn cử, sản phẩm gạo của Việt Nam xuất khẩu thứ hai thế giới về số lượng nhưng giá trị xuất khẩu vẫn thấp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên một hình ảnh rất phản cảm là tình trạng trồng - chặt cà phê, cao su, hạt điều... cứ diễn ra. Điều này cho thấy công tác quy hoạch vùng nguyên liệu của chúng ta có vấn đề. Chúng ta phải có chiến lược lâu dài chứ, cứ giật gấu vá vai thế này thì chết dân, chết Nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã nhận định, mặc dù tình hình bên ngoài, bên trong có nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đạt được khá cao. Trong những tháng cuối năm, với những biến động giá cả, nếu vẫn giữ được nhịp ổn định thì năm nay thắng lợi về mặt vĩ mô tương đối vững. Tuy nhiên, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ có hai chỉ tiêu phải làm rõ.
Thứ nhất về tốc độ tăng trưởng, tôi cho rằng chưa thấy có yếu tố tăng trưởng nào kích lên khiến quý III tăng trưởng cao lên như vậy. Trong khi theo dự báo tăng trưởng quý IV còn cao hơn nữa. Yếu tố quan trọng nhất để kích thích tăng trưởng là dư nợ tín dụng, song trong 9 tháng đầu năm 2014, dư nợ tín dụng mới đạt 50% kế hoạch cả năm. Đây là vấn đề cần phải có phân tích đậm đặc hơn. Thứ hai là chỉ tiêu dân số tham gia BHYT là 72% (năm ngoái tỷ lệ này là 68,8%). Tôi băn khoăn về cái độ chính xác của chỉ tiêu này, bởi hiện nay ở nhiều địa phương, tỷ lệ này mới đạt dưới 60%. Đơn cử như tỉnh Phú Yên mới có 58% người dân tham gia BHYT. Ngân sách không hỗ trợ, làm sao có thể nâng cao lên như vậy?
Một vấn đề đáng băn khoăn nữa là hiện nay, tái cơ cấu được coi như là việc đại sự quốc gia nhưng trong vòng 3 năm qua, tôi cảm nhận thấy đây chưa thực sự là công việc của quốc gia. Qua thực tế tại nhiều địa phương có mức tăng trưởng và thu ngân sách thấp đều báo cáo nhẹ nhàng "3 nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu là trọng tâm của T.Ư chứ không phải của địa phương"?! Hiểu như vậy là không đúng về tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chúng ta tái cơ cấu mà không làm được nhà nhà, người người và từng DN tham gia vào trong quỹ đạo tái cơ cấu là thất bại. Tôi cho rằng chúng ta làm đến giờ là không thành công. Do đó cần phải đổi mới tư duy. "Điều hành kinh tế phải thận trọng, nếu để lạnh quá dễ bị "cảm lạnh", phải ổn định mới có khí thế. Chúng ta không dựa vào năng suất lao động, KHCN mà dựa vào vốn nên phải giữ nền kinh tế "ấm" - Đại biểu Nhã cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã phát biểu tại buổi thảo luận.
|