Kinhtedothi - "Ngoài các tiềm năng và tính bổ trợ rõ nét, thị trường Đức đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai thác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam - EU đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay" - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bùi Huy Sơn nhận định tại Hội thảo "Thị trường Đức - Điểm sáng cho DN xuất khẩu Việt Nam" tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội.
Theo Cục XTTM (Bộ Công Thương), thị trường Đức có vai trò không chỉ như là nguồn công nghệ hiện đại của thế giới, mà với Việt Nam còn là một bạn hàng thương mại lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này tăng gần 8 lần chỉ trong 3 năm 2010 - 2013, trong đó, riêng năm 2013 tăng 18% trong bối cảnh thị trường chung mới qua đáy khủng hoảng, đạt 7,7 tỷ USD. Hiện, Đức là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, mà châu Âu từ năm 2012 đã trở thành đối tác XK lớn nhất của Việt Nam. Đức đang như một điểm sáng trong quá trình tăng trưởng XK của Việt Nam, giúp DN đổi mới công nghệ, tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.
Ông Bùi Huy Sơn cho rằng, tính bổ trợ lẫn nhau trong quan hệ thương mại Việt - Đức trước hết thể hiện ở cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu: Việt Nam XK sang Đức linh kiện điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản, cà phê... và nhập khẩu từ Đức máy móc, thiết bị, hóa chất... Thứ hai, tính bổ trợ thể hiện ở sự giao lưu và tăng cường đầu tư giữa 2 bên, trong đó, tại thị trường Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều DN lớn, hiện đại của Đức, tạo cho DN Việt cơ hội tiến xa hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đại diện Cục XTTM cho biết, Bộ Công Thương, Cục XTTM sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan của Đức để giúp DN tận dụng tốt các ưu đãi từ hiệp định này, tạo điều kiện để các kết nối giao thương của DN thu được kết quả cụ thể.
Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng CN&TM Đức tại Việt Nam chia sẻ: Để tiếp cận thị trường Đức, DN nên tìm hiểu các xu hướng thị trường hiện nay, sản phẩm dịch vụ nào phù hợp với người tiêu dùng, kênh phân phối phù hợp, các ngành sản xuất dịch vụ nhất định đang phát triển như thế nào... Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ thương mại rất quan trọng, để cảm nhận thị trường, tìm hiểu những đối tác tiềm năng, tiếp cận gia nhập thị trường. "DN Việt Nam đang XK chủ yếu hàng dệt may, da giày, thực phẩm sang Đức, nên lưu ý tại Hà Nội đã có không ít công ty thương mại là đối tác của Phòng CN&TM Đức để kết nối với DN Đức. Văn phòng của chúng tôi ở Hà Nội và chi nhánh TP Hồ Chí Minh luôn sẵn lòng cung cấp thông tin cho DN" - ông Walde nói. Đồng thời cho biết, cấu thành chính của nền kinh tế Đức là DN nhỏ và vừa (chiếm trên 90%). Đây là điều đáng lưu ý với DN Việt Nam, cần xác định bước đi đầu tiên phù hợp khi gia nhập thị trường Đức chính là nên thiết lập DN quy mô nhỏ và vừa, trong 1 - 2 năm đầu để tìm đối tác, chứ không nên mở ngay công ty quy mô lớn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Huy Hùng
|